THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH MỘT THẾ KỶ CÁCH MẠNG CỦA THANH NIÊN SÀI GÒN
- 100 năm của thế kỷ XX đối với phong trào thanh niên Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra qua hai thời kỳ rõ rệt: thời kỳ đấu tranh giành độc lập ngót ba phần tư thế kỷ và thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước sau chiến thắng lịch sử 30.4.1975.
Xin được đề cập đến cái ba phần tư thế kỷ trước đã làm nền tảng tư tưởng và nhân cách của thế hệ trẻ hôm nay.
Vài trang biên niên sử có thể cho chúng ta hình dung bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ:
- Tháng 8.1856 (năm Tự Đức thứ 9) , chiến thuyền Catinat Pháp bắn vào Đà Nẵng.
- Tháng 7.1858 ,tàu Pháp và Tây Ban Nha vào đánh Đà Nẵng lần thứ 2, sau đó thấy khó đánh lên Huế nên kéo vào đánh Gia Định.
- Tháng 2.1861 ,Pháp đánh Gia Định. Đồn Kỳ Hòa mất.
- Tháng 3.1862, Pháp đánh lấy Mỹ Tho - Định Tường, Biên Hòa và Vĩnh Long.
- Tháng 6.1862, Hòa ước Nhâm Tuất nhường 3 tỉnh Nam Kỳ: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp.
- Tháng 6.1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây : Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Phan Thanh Giản tự tử.
- Tháng 10.1873 , Pháp đánh ra Hà Nội. Nguyễn Tri Phương bị bắt và không đầu hàng mà chết.
- Ngày 15.3.1874 , Triều đình Huế ký hiệp ước Giáp Tuất với Pháp.
- Năm 1882 , Pháp đánh Hà Nội lần 2. Hoàng Diệu tự vẫn.
- Năm 1884 , Hòa ước Patenôtre công nhận Pháp bảo hộ.
Sau đó là thời kỳ thực dân Pháp thẳng tay bình định mọi cuộc kháng chiến của nhân dân cả nước ta, dưới các ngọn cờ Cần Vương, Văn thân cũng như các nhân sĩ yêu nước tự đứng ra tập hợp lực lượng. Nhưng cuộc kháng chiến đã trở thành phổ biến. “Thực tế đâu đâu cũng là trung tâm kháng chiến...” (theo Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh).
Sài Gòn là vùng đất bị xâm chiếm đầu tiên của nước ta, cũng là nơi tuyệt đại đa số nhân dân tẩy chay và nổi dậy chống quân xâm lược đầu tiên. Như vậy dù cho thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy cai trị trên cả nước ta, mà Sài Gòn là “thủ đô” của Nam kỳ thuộc địa, nhưng không bao giờ ổn định được tình hình chính trị xã hội.
Mặt khác để củng cố chế dộ thuộc địa nửa phong kiến, thực dân Pháp đã nhanh chóng tổ chức việc khai thác thuộc địa: mở đường sắt, xuất cảng gạo, lập nhà máy, mở trường bá nghệ... Đây là điều kiện mới để thúc đẩy giai cấp công nhân Việt Nam phát triển nhanh cả về lực lượng và phong trào đấu tranh.
Năm 1911 đã xuất hiện bãi công của công nhân và đã có sự phối hợp giữa công nhân Ba Son và học sinh Trường Bá nghệ Sài Gòn.
Năm 1911 cũng là năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.
- Như một bản năng tự nhiên, khi nước mất thì thanh niên vùng dậy chống xâm lược. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, từ ngàn xưa dòng máu bất khuất ấy vẫn cuồn cuộn chảy trong huyết quản người Việt Nam mà thanh niên là bộ phận sống động nhất.
Quan niệm sống chi phối thời kỳ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vẫn còn mang nặng ý thức xã hội phong kiến. Tuy vậy ở Sài Gòn và Nam Kỳ, phong trào cần Vương, Văn Thân không có ảnh hưởng mạnh bằng ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, hịch cần Vương của Triều đình Huế không có hiệu lực.
Nhân dân Nam Kỳ tự đứng lên cởi bỏ xích xiềng. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên miên từ khi Pháp đánh vào Gia Định mãi đến khi đặt xong ách cai trị khắp đất nước Việt Nam, vẫn tiếp diễn qua đầu thế kỷ XX. Và cũng do các cuộc bạo động liên tiếp thất bại, quần chúng ngày càng có ý thức hơn về tổ chức đấu tranh.
Hội kín Nam Kỳ ra đời trong tình hình đó. Hội kín gồm những nông dân nghèo, những thanh niên làm mướn, những người bị áp bức bần cùng, tự động hợp rồi tự động tan, tan rồi lại hợp, mà ai cũng muốn đánh thực dân Pháp, cởi bỏ kiếp đời nô lệ. Hội kín trở nên bất tử, dù bị chính quyền khủng bố dã man, bởi được nuôi dưỡng bằng tinh thần hy sinh vì nghĩa và bằng lòng căm thù giặc Pháp của quần chúng nhân dân.
Trong lúc đó báo chí chữ quốc ngữ xuất hiện lần đầu tiên ở Sài Gòn là một yếu tố mới của xã hội nước ta và đặc biệt là sớm trở thành một phương tiện mới của cuộc đấu tranh, nhất là đối với trí thức và học sinh sinh viên.
Đó là vào năm 1901, rồi 1907 khi hai tờ báo Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn cổ động mạnh mẽ cho phong trong trào Duy Tân và Minh Tân. Duy Tân và Minh Tân có tác dụng lớn đối với thanh niên, nhằm cải biến tư tưởng “nhứt sĩ nhì nông” sang ý muốn phát triển công nghiệp, tranh thương với nước ngoài, chống thủ cựu, mê tín dị đoan và học tập văn hóa, khoa học của phương Tây để giúp dân cứu nước. Phong trào có quan hệ với phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, Đông Du của Phan Bội Châu nên bị Pháp đánh phá, bắt giam thủ lĩnh là Trần Chánh Chiếu. Phong trào tan rã nhưng ý thức xã hội trong lớp sĩ phu và thanh niên đã có nhiều thay đổi.
Hai quá trình đấu tranh song song tồn tại và phát triển, tô đậm nét đặc trưng cho thời kỳ đầu đấu tranh giải phóng dân tộc của những năm trước và sau thế giới chiến tranh lần thứ nhất đã được phác thảo như trên: Đó là đấu tranh làm chuyển biến nhận thức và ý thức xã hội và đấu tranh bạo dộng chống thực dân Pháp. Hai quá trình đó cũng quyết liệt, gay gắt và không khoan nhượng, đầy màu sắc và thiên hình vạn trạng nhưng không lẫn được với nơi nào khác trên thế giới.
Trước hết là cuộc đấu tranh tư tưởng. Cuộc đấu tranh này như đã nêu trên, chuyển từ “Trung quân” sang “ái quốc”, từ phụ thuộc và chờ đợi “hịch cần Vương” sang chủ động và dựa vào dân để đánh giặc.
“Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền,
Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại”
(Nguyễn Đình Chiểu)
Vua đầu hàng giặc, vua không vì nước thì bề tôi có quyền không tuân lệnh vua. Và đạo lý đó đã được Trương Định nêu cao trên đất Nam Kỳ.
Trong khi đó Phan Bội Châu, một nhà yêu nước lỗi lạc, muốn dựng nên ngọn cờ Cường Để nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận lập đảng phái không vua: Tháng 5-1912 tại hội nghị toàn thể các hội viên Duy Tân ở ba Kỳ, Phan Bội Châu tuyên bố từ bỏ lập trường quân chủ và lập ra Việt Nam Quang phục hội, chủ trương bạo lực khủng bố các quan cai trị Pháp và tay sai.
Một lãnh tụ khác của phong trào Duy tân, nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, tuy ủng hộ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, ủng hộ Đông kinh nghĩa thục, nhưng lại đề cao tư tưởng dân chủ tư sản: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, mở trường, phát triển công thương, cải cách phong tục tập quán phong kiến... Ông chủ trương “bất bạo động, bạo động tắc tử” và “bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu”.
Tư tưởng dân chủ tư sản ngày càng phát triển một mặt do công cuộc khôi phục kinh tế và khai thác thuộc địa sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã hình thành giai cấp tư sản ở Việt Nam mà Sài Gòn là một trung tâm công thương nghiệp lớn (năm 1919 xuất khẩu 967.000 tấn gạo, năm 1928 lên 1.798.000 tấn gạo từ Đông Dương, chủ yếu qua cảng Sài Gòn), mặt khác các phong trào yêu nước bị khủng bố ác liệt mà chưa đưa ra được đường lối đúng đắn để giải phóng dân tộc.
Từ đó khuynh hướng cải lương tư sản được nhiều nhà đại địa chủ, tư sản và công chức cấp cao cổ súy, mà cao điểm là sự ra đời của Đảng lập hiến Đông Dương (1923) do Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long đứng đầu, chủ trương “Pháp Việt đề huề”.
Tất cả các loại quan điểm tư tưởng trên đều có ảnh hưởng nhất định trong quần chúng và trong các giới thanh niên, học sinh.
Cũng trong thời gian sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến giữa những năm 20, không khí chính trị tại Sài Gòn cũng như trong nước ta nói chung hết sức sôi nổi, rộn rịp. Một mặt, sau chiến tranh thực dân Pháp tăng cường khai thác thuộc địa, làm cho giai câp công nhân Việt Nam vốn đã phát triển đồng thời với quá trình thiết lập các cơ xưởng công nghiệp và giao thông, bến cảng phục vụ cho công cuộc cai trị của thực dân nay càng phát triển nhanh chóng vượt bậc lên đến 221.052 người năm 1929. Phong trào đấu tranh của công nhân do đó được mở rộng và diễn ra thường xuyên, góp thêm vào cuộc đấu tranh chung tính chất quyết liệt và đa dạng. Mặt khác cuộc cách mạng Tháng Mười Nga và nhà nước Xô Viết ra đời đã thổi một luồng gió mạnh vào phong trào cách mạng các dân tộc thuộc địa. Nhiều tờ báo tiến bộ xuất hiện bằng tiếng Pháp, đáng chú ý nhất là báo Chuông rè (La Cloche Fêlée) của Nguyễn An Ninh và I’Annam của Phan Văn Trường. Hai tờ báo này đã vạch trần chính sách thực dân tàn bạo và ngu dân, đấu tranh kiên trì chống thuyết “Pháp Việt đề huề”, đồng thời hăng hái vận động chủ nghĩa Mác và tư tưởng Cộng sản một cách công khai như đăng tải “Tuyên ngôn Cộng sản” của Mác - Ăng-ghen, viết bài ca ngợi và giải thích học thuyết Lênin về quyền dân tộc tự quyết và khẳng định “Quốc tế Cộng sản vừa tượng trưng cho công lý, vừa tượng trưng cho sức mạnh, có thể phá tan sự bất công, bảo vệ kẻ yếu đuối và giải phóng người bị áp bức”.
Báo chí yêu nước bằng quốc ngữ cũng phát triển nhanh về số lượng và tổ chức quy mô. Các nhà xuất bản xuất hiện khá ấn tượng.
Tất cả những diễn biến trên đây từ sự phá sản của tư tưởng phong kiến, tư sản và chủ nghĩa cải lương Pháp Việt đề huề đến hoạt động sôi nổi của báo chí yêu nước chắc chắn có tác dụng làm tiền đề cho cao trào đấu tranh về quan điểm tư tưởng ở giai đoạn sau khi Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội xuất hiện tại Sài Gòn.
Như vậy trong bốì cảnh thế giới và trong nước sôi động các chuyển biến chính trị xã hội và dưới tác động của thực tiễn đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp, nhận thức và tư tưởng của các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thanh niên đã có một bước chuyển dài. Thanh niên Sài Gòn đã thẳng thừng từ chối ý thức tư tưởng phong kiến, tiểu tư sản, tư sản và đang đi tìm niềm tin cách mạng mới. Bước chuyển đó, trên một ý nghĩa nhất định, là cực kỳ nhanh chóng, khoảng non nửa thế kỷ vào nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.
Phong trào hành động của quần chúng phản ảnh đầy đủ và sinh động thậm chí tàn khốc những diễn biến về ý thức xã hội nói trên. Sự thất bại của Phan Bội Châu từ lập trường quân chủ sang lập đảng không vua và đặc biệt là cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Trương Định bất chấp lệnh triều đình là sự đoạn tuyệt tư tưởng phong kiến một cách đáng khâm phục. Tuy nhiên, trong khi các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi những khẩu hiệu về đời sống hàng ngày, các phong trào bạo động của nông dân và sĩ phu bị khủng bố tàn khốc, thì phong trào quần chúng càng tự phát dữ dội vì quá bức xúc: Đó là những “hội kín” Nam Kỳ, tập hợp lại từng nhóm theo quan hệ xã hội tự nhiên, rồi hễ nghe ở đâu nổi dậy thì “nhứt hô bá ứng” mặc dù “tiếng hô” không rõ ràng, không chiến lược chiến thuật gì. Và cứ “hợp tan, tan rồi lại hợp” như vậy như một kiểu “nhân dân tự vệ” để chờ cơ hội lớn mà cơ hội gặp gỡ Nguyễn An Ninh thần tượng của thanh niên Sài Gòn thời kỳ 1923 - 1926 là một điển hình.
Lớp dân nghèo thì như vậy, đến như lớp thanh niên trí thức cũng tự phát không kém, thậm chí đến bất ngờ. Đó là trường hợp “Thanh niên đảng”: “chỉ cần một bữa cơm không định trước, một nhóm thanh niên tập hợp quanh Đông Pháp thời báo của Trần Huy Liệu, như Bùi Công Trừng, Nguyễn Trọng Hy... đã quyết định lập Đảng,... không có chủ nghĩa, không có chương trình, điều lệ gì cả”. Và ai muốn vào Đảng Thanh niên cứ ghi tên, hễ ai là đảng viên thì cứ đeo băng vàng trên tay. Thế là hằng hà sa số những băng vàng xuất hiện ở Sài Gòn và lục tỉnh.
Hết đợt này đến đợt khác, phong trào đấu tranh của thanh niên vẫn bộc phát khắp nơi. Năm 1920, học sinh Chasseloup Laubat bãi khóa, năm 1924 Phạm Hồng Thái thuộc nhóm Tâm Tâm Xã đánh bom tại Quảng Châu nhưng không giết được toàn quyền Đông Dương Merlin, năm 1925 Việt Nam Nghĩa Đoàn xuất hiện, năm 1926 thanh niên học sinh cùng quần chúng Sài Gòn đưa tang cụ Phan Châu Trinh. Rồi phong trào báo chí sách vở yêu nước công khai phát triển.
Cho tới khi Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội xuất hiện tại Sài Gòn và lãnh tụ Công hội Sài Gòn là Tôn Đức Thắng tham gia lãnh đạo Kỳ ủy thanh niên, rồi tiếp theo đó là Tân Việt Cách mạng Đảng... và đến cuối năm 1929 nhiều nhóm cộng sản mạnh xuất hiện (Đông Dương Cộng sản Đảng, An nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn), cho tới lúc đó thì phong trào thanh niên và quần chúng lao động mới có ánh sáng soi đường để thực sự chuyển sang một giai đoạn cách mạng mới: cách mạng dân tộc dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu cũng là lúc kết thúc cuộc bạo động tiểu tư sản của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học và Quốc dân Đảng. Và cũng chính sự thất bại thảm khốc của Quốc dân Đảng đã làm thức tỉnh các bộ phận thanh niên còn vương vấn ý thức đấu tranh theo con đường tư sản để dứt khoát đi theo sự lãnh đạo của Đảng ta.
Sau thời gian đầu thế kỷ bùng nổ đấu tranh tự động và tự phát với nhiều xu hướng khác nhau thì thế kỷ XX thực sự là thế kỷ đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Sài Gòn nói riêng đã nhiệt liệt hưởng ứng sự lãnh đạo của Đảng và đã phát huy được tối đa tiềm lực và sức sáng tạo của mình, từ đó xác lập được vai trò cao cả của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc: Vai trò lực lượng xung kích của cách mạng.
Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì ngay năm sau đó Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam cũng được thành lập theo nghị quyết của Trung ương ngày 26.3.1931. Từ đây, các tầng lớp thanh niên lao động cũng như thanh niên học sinh sinh viên và trí thức chẳng những được Đảng soi đường mà còn được tổ chức lại trong hệ thống tổ chức Đoàn đến tận phố phường, thôn xóm, nhà máy, trường học, cổng tư sở v.v... với những nhiệm vụ cụ thể theo từng thời kỳ cách mạng.
Trải qua một quá trình vận động lâu dài, lúc công khai, khi bí mật, cả đấu tranh hợp pháp và đấu tranh bất hợp pháp, vượt qua thử thách hy sinh, Đảng đã nhạy bén tranh thủ chớp thời cơ lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8.1945 thành công, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập dân tộc. Cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ xâm lược càng tô đậm nét hào hùng của phong trào cách mạng trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại và càng vun bồi thêm bản lĩnh cách mạng để Đảng vươn lên những tầm cao mới sau thế kỷ XX.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cánh tay và đội hậu bị của Đảng đã được trui rèn trong bão táp cách mạng, thông qua quá trình thực hiện vai trò nòng cốt đưa phong trào thanh niên lên vị trí xung kích của phong trào quần chúng thành phố Sài Gòn. Dấu ấn của phong trào thanh niên để lại trong lịch sử phong trào dấu tranh của nhân dân Sài Gòn thật là độc đáo. Đó là phong trào “xếp bút nghiên” của học sinh sinh viên, phong trào Thanh niên Tiền phong đầy khí phách trước và trong tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, phong trào tự vệ vũ trang mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau 28 ngày độc lập ngay giữa lòng Sài Gòn, phong trào đấu tranh vũ trang du kích ở ngoại thành tiếp theo là tòng quân giết giặc, tham gia Giải phóng quân, Vệ quốc đoàn và bộc phát dữ dội là phong trào trò Ơn và phong trào chống Mỹ can thiệp, cao điểm của phong trào học sinh sinh viên và nhân dân đô thị. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ thì phong trào thanh niên bùng lên cao hơn nữa, cả về quy mô lực lượng, tính chất đấu tranh và trình độ tổ chức. Tiêu biểu cho thời kỳ này là các phong trào chống độc tài phát xít, chống khủng bố đàn áp học sinh sinh viên, chống bắt lính đôn quân, phong trào hòa bình tự quyết, đòi Mỹ rút quân, tẩy chay ngụy quyền tay sai Mỹ, các phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc, xuống đường “hát cho đồng bào tôi nghe”, cứu trợ nạn nhân chiến tranh, đấu tranh đòi quyền sống đồng bào, đấu tranh chống chế độ lao tù, xuống đường đốt xe Mỹ v.v... Tất cả những chuyển động ấy, lúc thì rầm rộ khí thế ngất trời, lúc thì diễn ra chiều sâu rộng khắp Sài Gòn, tạo điều kiện súc tích lực lượng, chuẩn bị thời cơ để cùng đồng bào thành phố và cả miền Nam, cùng lực lượng vũ trang cách mạng và bộ đội chính quy xông lên làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn Thành phố, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975.
Mùa xuân lịch sử 1975 đã mở đầu đầy khí thế anh hùng cho phong trào thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang giai đoạn mới: giai đoạn hòa bình xây dựng và bảo vệ đất nước. Nếu như đánh đổ chế độ thực dân đế quốc và ngụy quyền tay sai là khó thì xây dựng chế dộ xã hội mới của nhân dân càng khó hơn bội phần.
Ngay những ngày đầu sau giải phóng, thanh niên Thành phố đã hăng hái đi đầu trong mọi mặt trận, mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, mà tiêu biểu là các phong trào xóa bỏ tàn dư của nô lệ, áp bức bất công và tệ nạn xã hội, phong trào tình nguyện lao động và thanh niên xung phong, phong trào ánh sáng văn hóa, phong trào rèn luyện học tập, thi đua lao động sản xuất và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc... Mặt trận kinh tế vẫn là trung tâm của mọi nhiệm vụ chính trị mà thanh niên phải có mặt tuyến đầu. Ở đây đã tôn vinh được nhiều tấm gương cống hiến cao đẹp mang tính anh hùng trong nền kinh tế thị trường đầy biến ảo. Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa đã góp phần làm cho thành phố mang tên Bác thực sự trở thành động lực thúc dẩy nền kinh tế xã hội cả nước phát triển.
Dù vậy, con đường đi lên xây dựng nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu vẫn còn xa, những khó khăn thách thức của hội nhập là không thể tránh, những vấp váp thất bại có thật vừa qua vẫn còn dự vị đắng cay, tất cả những thách thức ấy buộc thanh niên thành phố phải tập trung cao độ ý chí và nghị lực, sức mạnh vật chất và sức mạnh tổ chức để vượt qua. Kế thừa phẩm chất và năng lực đã được trui rèn qua một thế kỷ cách mạng hào hùng, được Đảng luôn tin yêu dìu dắt, chắc chắn các thế hệ trẻ hôm nay có đủ bản lĩnh để tiếp tục vai trò lực lượng xung kích cách mạng, phấn đấu đến thắng lợi cuối cùng.
- 100 năm đối với lịch sử dân tộc là một quãng thời gian ngắn ngủi. Song 100 năm của thế kỷ XX cũng đủ để tạo ra một thời thế mới, một kỷ nguyên mới cho Tổ quốc ta sánh vai cùng các dân tộc lừng danh trên thế giới, xứng đáng với di sản hùng tráng của tổ tiên.
Trong 100 năm ấy, các thế hệ thanh niên Sài Gòn hết lớp này đến lớp khác dã xông lên tuyến đầu đấu tranh cách mạng và đã nhanh chóng trưởng thành. Nhìn lại quá trình lịch sử, chúng ta thấy:
- Thanh niên Sài Gòn đã nhanh nhạy nắm bắt thực tế, nhận thức được tình trạng đất nước bị xâm lược, nhân dân bị nô lệ lầm than và bản thân thanh niên không thể sống kiếp đời nô lệ hoặc làm tay sai cho giặc giết hại đồng bào. Từ ý thức trung quân họ đã nhanh chóng chuyển sang ái quốc thương dân, từ tự phát manh động đấu tranh đến tập hợp tổ chức, từ “Hội kín” hợp tan đến việc tham gia các tổ chức cách mạng như Công hội Đỏ, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, Tân Việt Đảng... và cuối cùng là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Phong trào thanh niên Sài Gòn đã động viên được các tầng lớp thanh niên từ nông dân lao động, thanh niên lớp nghèo thành thị, thanh niên công nhân đến học sinh sinh viên, trí thức..., bởi vì thanh niên là con em mọi giai cấp, mọi tầng lớp đồng bào, là bộ phận năng động và nhạy cảm nhất trước những đau thương khổ nhục của gia đình, trước vận mệnh hưng vong của Tổ quốc. Các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp dù do ai đứng đầu vẫn cuốn hút được thanh niên, để rồi sau đó qua thực tế sàng lọc, thanh niên tự khắc xác định được con đường đấu tranh đúng đắn của mình. Điều đó giải thích vì sao thanh niên Sài Gòn từ khi được Đảng lãnh đạo đã không xảy ra hiện tượng phân ly và manh động của những năm đầu thế kỷ, mà đội ngũ ngày càng thống nhất, lực lượng càng đông càng có tổ chức mạnh, cuộc đấu tranh càng gay gắt quyết liệt thì lập trường cách mạng càng phân định rõ ràng. Phong trào Thanh niên Tiền phong, phong trào trò Ơn 1950, và đặc biệt là một chuỗi dài như vô tận các phong trào đấu tranh chống Mỹ giữa lòng thành phố Sài Gòn với thiên hình vạn trạng đã chứng minh tính tự giác rất cao của các thế hệ tuổi trẻ Sài Gòn dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và Bác Hổ kính yêu.
Nhìn xuyên suốt, phong trào mang tính bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang nhưng quần chúng thanh niên cũng tích cực sử dụng các loại hình đấu tranh văn hóa, văn nghệ, báo chí dưới các hình thức công khai hợp pháp, hay nửa công khai nửa hợp pháp và bí mật bất hợp pháp. Nội dung phong trào luôn luôn gắn quyền lợi dân sinh dân chủ với đòi hỏi độc lập tự do, đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược và đánh đổ ngụy quyền tay sai, luôn luôn gắn bó với giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong mọi giai đoạn cách mạng.
Chúng ta đặc biệt chú ý sự xuất hiện các lãnh tụ của các phong trào chống thực dân Pháp tuổi còn rất trẻ sau thời kỳ các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ này. Các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh biểu hiện rõ lòng yêu nước sâu sắc khi tuổi còn rất trẻ và đến khi định hình khuynh hướng chính trị vang danh trong nước và ở nước ngoài thì vẫn như những lãnh tụ của thanh niên thời bấy giờ. Những lãnh tụ của Đảng Thanh niên (1925 - 1926), nhóm thanh niên cao vọng của Nguyễn An Ninh, những lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, nhóm Tâm Tâm Xã của liệt sĩ Phạm Hồng Thái, nhóm Việt Nam Nghĩa Đoàn và các nhóm công khai hoặc bí mật khác,... rất nhiều tổ chức tập hợp lực lượng nhằm vào thanh niên, học sinh sinh viên và các lãnh tụ của họ có nhiều nhân vật tuổi còn rất trẻ. Đặc biệt và nổi bật hơn hết chính là tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc chủ xướng và lãnh đạo. Đó là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiền thân của Đảng là một tổ chức thanh niên, điều đó nói lên tất cả tầm quan trọng của công cuộc chuẩn bị xây dựng đường lối chiến lược cách mạng rất đặc thù mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng suốt lựa chọn. Và thực tế lịch sử Việt Nam đã chứng kiến biết bao tấm gương liệt sĩ và anh hùng tuổi đời còn rất trẻ tiếp nối nhau mang lá cờ vinh quang của Đảng đến đỉnh cao chói lọi của đài Độc lập Tự do.
***
Thế kỷ XXI đã sừng sững ngay trước mặt. Với niềm tự hào “Thế hệ anh hùng thắng Mỹ vẻ vang”, niềm tự hào của thanh niên học sinh sinh viên Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn là lực lượng xung kích trong tiến trình lịch sử cách mạng của thành phố, thế hệ trẻ hôm nay quyết đưa thành phố cất cánh ngay trong những thập niên đầu của thế kỷ mới, xứng đáng với truyền thống Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh anh hùng.
Tháng 8 năm 2000