Đang tải...
Thứ Ba, 16/4/2024

BA ANH EM TRÊN MỘT CHIẾC XUỒNG PHAO...

Đồng chí Trần Văn Nhiệm; tức Trần Vãn Bộ, tức Ba Nghiêm, Ba Nguyên, Ba Nhiệm, sinh năm 1936 tại Tân Thanh - Giồng Trôm - Bến Tre. Hoạt động trong phong trào cách mạng học sinh Sài Gòn từ năm 1957, bị bắt vào tháng 9-1963 trong lúc nhập thị đón thời cơ đảo chánh Diệm, bị đưa ra Côn Đảo an trí vô thời hạn tháng 5-1965, vượt đảo ngày 10-4-1967. Sau giải phóng đồng chí làm Phó Giám đốc sở Thương binh Xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Lần vượt đảo này, đồng chí cùng với Bừng và Mừng - những tù không án (câu lưu) - bị điều sang đốn củi ở Bến Đầm (chi khu quân sự)....

Thời cơ có tính quyết định của chuyến đi là gió chướng hãy còn mạnh. Tôi rà lại số tiền đã cất giấu mấy năm liền để mua con cầy, tổ chức bữa nhậu với tên trật tự Nghĩa, tạo điều kiện cho ba chúng tôi dễ dàng hành động. Đích thân tôi nấu và phục vụ cho tên Nghĩa thật no say, đây cũng là một phần trong kế hoạch đã được thảo ra. Cũng trong lúc này, tên trung sĩ Y cần tiền nên bán một con chó, được “bọn tù” mua mà không trả giá, Y cũng vui vẻ và có thiện cảm với anh em tù.

Trước đêm thực hiện phương án hành động, một dịp may tình cờ xảy đến với chúng tôi: hầu hết lính ở chi khu Bến Đầm đều là người dân tộc Khmer, mà tối hôm nay lại là dịp Tết ChônsơnamThmay nên khi trời vừa sụp tối thì tiệc tùng đã được bày ra trong trại lính. Chi khu Bến Đầm, lính không quá một đại đội, hầu hết là lính bị thuyên chuyển từ đất liền ra đây.

Đêm nay được dịp bọn lính chi khu tha hồ no say bên bàn nhậu. Hơn thế nữa, tên trung úy Căn được mời như một vị khách và là dịp để bọn lính tâng công, tung hót. Trời vừa sụp tối, Bừng và Mừng giả vờ sang giúp việc nhà cho vợ tên Căn, thừa dịp tiếp cận nhà sau và khiêng thử chiếc xuồng phao. Trong lúc này cũng có một trở ngại nhỏ là tên trung sĩ bảo vệ và con chó, cả hai đều ở nhà sau, vừa cảnh vệ, vừa án ngữ con đường đi ra biển gần nhất.

Viên trung sĩ cùng tên thiếu tá Căn đều đã nhập tiệc từ chiều và đang thách đố nhau với rượu thịt, nhưng còn con chó thì sao? Giải quyết sự vướng mắc này, chúng tôi hội ý chớp nhoáng là phải dụ con chó ra nhà trước và ở đó càng lâu càng tốt, ít nhất là sau khi chúng tôi hành động vượt khỏi trại giam. Dưới ánh trăng lờ mờ, con chó đã ngoan ngoãn nằm gậm miếng thịt mà tôi đã nhẹ nhàng ném về phía nhà trước, và tiếp theo là một miếng thịt nữa, nhưng lần này thì xa hơn về phía trước và lại thêm vài cục xương khiến con chó quên đi nhiệm vụ của nó. Chẳng phải là khó nhọc cho lắm; thùng nước, tấm nylon che mưa, cuộn dây, ba chiếc dầm bơi đều được xếp sẵn vào vị trí thích hợp.

Chúng tôi bình thản ăn xong bữa chiều, cũng dọn dẹp sạch sẽ như thường lệ. Tên Nghĩa đã no say với rượu thịt ban chiều vì trời đã tối nên hắn cũng chủ quan đi ngủ, cho rằng chẳng có chuyện gì. Cả ba chúng tôi tỏ vẻ mệt nhọc và kéo nhau vào phòng giam ngủ sớm, đồ đạc cá nhân của chúng tôi đều để lại tất. Chúng tôi đã thống nhất với nhau mỗi đứa mặc một áo kaki nhuộm đen, quần thì tùy ý và chuẩn bị một chai dầu nóng hay dầu cù là. Riêng phần tôi cũng đem theo số tiền mặt đã dành dụm được (khoảng hơn một trăm đồng tiền Việt Nam Cộng hòa), ba lon guygo nước đầy ắp và giờ hành động là lúc trăng khuất núi (trăng mùng chín lặn rất sớm).

Trong phòng giam theo kế hoạch đã được rà soát kỹ lưỡng, khi có ám hiệu, Bừng nhẹ nhàng đến cửa phòng giam tháo kẽm, cạy khoá. Tất cả phải hành động nhanh và trong im lặng, cả ba chúng tôi lần lượt từng người nối đuôi nhau mang theo vật dụng đã được chuẩn bị tại những vị trí thích hợp. Chúng tôi cũng đã dặn nhau là dùng áo và vật dụng xếp dài như người nằm, phải kéo chăn đắp kín dài theo để khi ánh đèn kiểm tra của trật tự cùng phòng và lính tuần tra rọi thoáng qua tưởng rằng ba chúng tôi vẫn còn say ngủ trong lớp mền đắp kỹ ấy.

Một lát sau, ánh đèn pin từ bên ngoài quét vào phòng giam, lia qua lia lại rồi vụt tắt, tiếp theo lại có tiếng chân đi thật khẽ, cũng từ bên ngoài áp sát vào vách phòng giam.

Đợi cho chúng bỏ đi, tôi mới vén mền nghe ngóng động tĩnh trong phòng giam trong lúc đồng hồ gõ đúng mười tiếng, sau đó nhẹ nhàng đứng dậy ngó một lượt ra phía ngoài, vừa nghe ngóng, vừa quan sát và lần tay kéo tấm mền phủ lên đồ ngụy trang, ném nhẹ một cục đất về phía Mừng để làm ám hiệu, rồi lại ngồi im quan sát.

Từ phía sau, nơi có cánh cửa kẽm gai, Mừng khẽ đứng dậy và cũng quan sát trong ngoài rồi ra ám hiệu cho Bừng biết. Trong tích tắc, cánh cửa phòng giam mở ra, không một tiếng động và cả ba nhẹ nhàng lách qua thoắt nhanh ra ngoài. Chiếc xuồng phao cùng các vật dụng mà ba chúng tôi đã chuẩn bị sẵn lặng lẽ cùng chúng tôi rời xa nhà tên thiếu úy chi khu. Đường từ phòng giam ra bãi biển không quá trăm thước.

Chúng tôi đồng ý bỏ lại thùng nước và ba chúng tôi khiêng xuồng phao cùng đồ đạc băng nhanh qua trảng tranh... Tiếng sóng biển va đập vào gềnh đá to hơn tiếng chân chúng tôi đang hối hả cắt rừng.

Trước mặt chúng tôi là con đường ôm theo triền núi, rẽ phải không quá hai cây số là đến trại lính chi khu, rẽ trái sẽ ra đến Bến Đầm. Sau khi hội ý với nhau, tôi trao cho Bừng con dao và bám nhanh đến đường lộ theo như kế hoạch. Mừng và tôi dừng lại trong chốc lát, Bừng đã quay về sau khi đã dò một khoảng đường. Đoạn đường rất yên và chúng tôi tiếp tục băng đi trong bóng tối. Chạy thẳng xuống bãi đá. Nước biển đã ròng và lạch đầm thêm nhỏ hẹp. Đặt chiếc xuồng phao xuống nước, lòng ai cũng thấy mừng khấp khởi. Tháo nhanh cuộn dây cước buộc tạm xuồng phao vào đá, tất cả đồ đạt mang đặt hết vào trong xuồng, ba anh em cùng thở phào nhẹ nhõm. Ngay từ giờ phút này, đã không còn là tù nhân Côn Đảo. Chúng tôi liền trở ngay lên triền núi khiêng bằng được chiếc xuồng nan. Dưới ánh trăng mờ, ba anh em tôi tì vai vào, nhưng không sao nhấc bổng xuồng lên vai nổi, dù cả ba đứng theo trục tam giác, hè hụi mãi vẫn không sao làm chuyển động nổi xuồng. Không chần chừ, chúng tôi bàn nhấc một đầu lên trước đặt vào vai Bừng và tôi. Sau đó một mình Mừng tự nhấc bổng đầu xuồng phía sau. Chiếc xuồng nặng quá sức tưởng tượng, sức nặng phải cần sáu người khiêng mới nổi. Chúng tôi đã phấn đấu dù không ngang sức. Đây là phần việc cuối cùng để được ra khơi. Tiếp đến là đốn cho được một cây để làm cột buồm. Bừng dang tay bổ mấy nhát dao vào thân cây, tiếng khua nghe vang động trong đêm khuya. Nếu tiếp tục cách đốn bum bum này rất ngại bọn lính chi khu nghe được là toi công. Tôi bèn đề nghị cả ba hè nhau bẻ. Thật vậy, tiếng bẻ cây không phải lo sợ nữa. Thế là có được cột buồm.

NỬA ĐÊM TRÊN BIỂN

Chúng tôi thả xong chiếc xuồng nan xuống lạch Đầm, buộc chặt xuống phao vòng theo sau, rồi cùng nhau bơi xuồng ra biển. Hơn nửa giờ, xuồng rời đảo ra khơi. Tất cả ra sức bơi để thoát nhanh khỏi đảo. Tôi vừa bơi vừa lái, Bừng và Mừng lo dựng cột, căng buồm. Gió thổi, buồm căng, xuồng trườn theo từng đợt sóng, lòng thấy khoan khoái vô cùng.

Bây giờ thì trăng đã chìm ở cuối biển, để lại bầu trời vô số vì sao. Vì sao Bắc Đẩu, chùm sao Cày, ngọn gió chướng, cơn sóng biển, tất cả là la bàn định hướng cho chúng tôi. Tròng theo hướng gió - Gió chướng đưa về đất liền. Nhìn theo sóng biển - Sóng biển mùa chướng chỉ đuổi theo một hướng về Tây. Đêm nay chúng tôi được tự do rồi, đã tự giải phóng mình khi bắt gặp một thời cơ hiếm hoi vào cuối mùa chướng, thời cơ đã giúp sức cho chúng tôi tổ chức vượt đảo. Thật sung sướng biết dường nào?

Chúng tôi ca hát rền vang biển cả, ngâm thơ, kể chuyện Cách mạng tha hồ, như chim đã sổ lồng. Bỗng trong đêm, chúng tôi chợt nghe tiếng gió dậy ầm ầm không mấy chốc sóng biển dồn dập, từng đợt, từng đợt đập vào mạn xuồng, mấy chập liền, chiếc xuồng chòng chành, lảo đảo. Trời tối sầm khó bề nhìn thấy sóng, có lẽ sóng phủ cao đến tận mái nhà. Sóng làm Bừng phát lên nôn ói, đang kềm mũi, Mừng cũng phát nôn theo. Trông cảnh tượng ấy, khiến tôi động lây. Cơm nước trong bụng như muốn trào ra hết. Chúng tôi bảo nhau xoa thật nhiều dầu, không để cho ói mửa. Một lúc sau, ngọn gió chướng ngừng xoáy. Không gian tối sẩm đi, bấy giờ chỉ còn trông cậy vào sóng biển và hướng gió để giữ cho xuồng trôi thẳng về hướng Tây.

Thuyền vẫn trôi trong đêm tối, bỗng xa xa le lói ánh đèn tàu. Trong biển đêm bao la không phải lo gì, chúng tôi cứ giữ xuồng đi thuận theo sóng và gió mùa chướng. Ánh đèn tàu vẫn nằm về phía trái, xa dần, xa dần.

Sau tôi, đến lượt Mừng hát vọng cổ, qua giọng nói lối trầm bổng ngân nga, nhấn, thả trong đêm khuya vắng lặng tạo thêm nghị lực, bình tĩnh cho mình.

Từ hướng Đông, sao Mai đã bắt đầu mọc, đêm tối dần tan. Xuồng vẫn cứ cỡi sóng, trôi đi lúc nhanh, lúc chậm.

HOANG ĐẢO LẺ LOI

Trông về phía Tây, chúng tôi chỉ thấy một màu biển xanh muôn trùng. Trông về phía Đông Côn Đảo vẫn hiện lên màu xanh ảm đạm. Một đêm dài đương đầu với sóng gió, mà Côn Đảo còn sờ sờ, lúc nào cũng như đe dọa từ phía mặt trời lên.

Phải hạ buồm. Tôi kềm lái và cố giữ cho xuồng trôi theo sóng biển, Mừng và Bừng đã nâng gọn chiếc xuồng phao đặt lên xuồng nan. Cùng nhau ra sức bơi, cố sao kìm cho xuồng ít bị tụt lại. Sóng biển càng nhìn càng phát khiếp. Nó chồm lên cao rồi trượt dài có khi cả chục thước. Bơi tận lực. Bơi đi hàng giờ liền mới giảm xa phần nào núi non Côn Đảo. Mặt trời lên đỉnh đầu. Nắng như thiêu, như đốt. Nước biển tung ướt làm rớt cả thịt da.

Bỗng Mừng kêu lên:

- Hình như có tàu giặc phía trước.

Lập tức cả ba chúng tôi vừa bơi vừa bảo nhau cho xuồng lệch về hướng Bắc. Từ lúc chỉ nhìn thấy lờ mờ, càng đi tới, con tàu càng hiện rõ, nằm bất động trên đại dương mênh mông. Xuồng chúng tôi từ từ trệch về hướng Tây - Bắc, nỗi lo cũng tan biến khi phát hiện phía trước không phải là con tàu mà là một hòn đảo. Tuy vậy, chúng tôi bảo nhau biết đâu có thể địch đóng bót ở trên đấy. Nghi là nghi, chúng tôi vẫn bơi mong sao vượt qua đảo nhanh chóng. Hàng giờ bơi. Cổ họng khát, mồ hôi nhể nhại. Chúng tôi thấy được lờ mờ những cánh chim bay chập chờn quanh đảo. Có thể là đảo hoang? Vì đảo hoang mới có chim đến trú ẩn. Sau một hồi bàn bạc, chúng tôi quyết định ghé vào đảo mong tìm thức ăn và nước uống. Chúng tôi hướng mũi xuồng thẳng vào đảo nhỏ.

Sóng vẫn to và nắng như đổ lửa. Khoảng nửa giờ sau, xuồng chúng tôi tiếp cận được đảo, những đợt sóng va đập vào vách đá liên hồi, dâng thành cột nước cao càng trông càng thấy khiếp.

Tôi phán đoán, có lẽ đằng sau hòn đảo sóng êm hơn.

Quả thật, phía sau hòn đào, biển lặng sóng êm và chúng tôi nhanh chóng đưa xuồng cập vào đảo. Để thủ chắc, tôi khuyên Bừng ở lại trông chừng xuồng đề phòng sóng đánh đứt dây, còn tôi và Mừng tìm cách trèo lên trên đảo. Hòn đảo với phân nửa là núi trọc, dưới chân chúng tôi trắng dã những trứng chim. Trên đầu lũ chim hoang kêu la như muốn cắn xé chúng tôi. Vô số là tổ chim, có tổ chúng chỉ lót vài cọng cỏ khô. Mừng và tôi chia nhau chạy đi tìm nguồn nước trên đảo, nhưng không tìm được một giọt nước vì đảo chẳng có một con suối, một lũng sâu nào.

Mừng đưa tôi một trứng chim và nói:

- Húp đi anh! Khỏe lắm đó. Hồi trước mình đi bộ đội, có lần bị địch bao vây nhiều ngày liền ờ rừng Sác tụi này nhờ húp trứng chim mà đỡ đói.

Quả thật trứng chim làm cho tôi có cảm giác khỏe khoắn lạ thường. Tôỉ tự tay đập liền mấy trứng chim và nuốt tiếp. Thế rồi hai chúng tôi lượm trứng bỏ vào nón vải, khăn rằn và cả ống quần đã được túm lại. Tay xách, vai đeo. Chúng tôi tìm cách đem xuống xuồng. Với số lương thực trời cho này, dù có đi mấy ngày nữa vẫn không sợ đói.

Mừng tìm bẻ một cây to hơn bắp tay và túm tất cả trứng cột vào đó để hai đứa cùng khiêng xuống. Đoạn cây này có thể làm cột buồm rất chắc chắn. Phải mất một thời gian vất vả, hai chúng tôi mới đem được số trứng này xuống tận chân núi. Bắt gặp trứng, Bừng cũng húp liền mấy quả. Chúng tôi mỗi đứa tìm một cây khắc tên vào và ghi ngày tháng chúng tôi đổ bộ lên hòn đảo hoang này. Xa xa, Côn Đảo vẫn mờ mờ. Ba đứa bàn bạc nên nghỉ ngơi trên đảo này, chờ đến chiều sẽ đi tiếp cho an toàn. Mỗi đứa một phiến đá, chúng tôi ngồi nhìn mây, nhìn trời, nhìn những cánh chim đang lượn lờ suốt trên đầu chúng tôi. Đột nhiên bầu trời bắt đầu tối sầm và gió thổi lên từng đợt, từng đợt. Một cụm mây đen từ hướng Đông đang kéo tới đảo. Trời đã chuyển mưa. Mưa thật rồi. Chỉ trong phút chốc mà cả một vùng biển mưa trắng xóa. Cơn mưa thật bất ngờ.

Bừng hối hả trải nylon, hứng nước mưa. Chúng tôi cùng ngửa mặt lên trời, đón từng hạt mưa đầu mùa, những hạt mưa đem lại niềm tin và sức lực cho chúng tôi. Cơn mưa lại tạnh nhanh chóng. Không gian trở nên quang đãng. Chúng tôi nghỉ lại trên đảo này khoảng hơn hai giờ, trời lúc này đã xế. Đoạn cây lấy từ đảo, cột vào xuồng làm buồm, cùng với nước mưa, trứng chim, chúng tôi giã từ hoang đảo và tiếp tục cuộc vượt biển.

Được một khoảng xa, gió chướng bắt đầu thổi mạnh và chiếc xuồng căng buồm rẽ sóng tiến về phía Tây. Bọn tôi phân công người cầm lái, kẻ giữ cột buồm và người được nằm nghỉ. Tầm nhìn rất xa và xuồng nan xuôi gió chạy như xé nước, không ai bảo ai, tất cả đều hướng về phía trước, nắng chiều nhạt dần, da thịt chúng tôi căng ra và đỏ rát sau một ngày nắng gió. Người bắt đầu thấm mệt, rã rời tay chân. Với tốc độ nhanh của xuồng và nhờ vào sức gió, chúng tôi đoán rằng sẽ vào tới đất liền chỉ nội trong đêm nay.

GIÂY PHÚT GIỮA KHUYA

Xuồng vẫn băng băng lao trên sóng biển. Chiều mát, chúng tôi bớt dần say sóng nhờ có dầu nóng. Trước khi mặt trời lặn, chúng tôi lại gặp thêm một đảo hoang. Hòn đảo này nhỏ hơn nhiều và chúng tôi cũng không ghé vào để tránh mất thì giờ.

Tranh thủ còn ánh sáng, chúng tôi tranh thủ mỗi đứa ăn một số trứng chim để chịu đựng qua đêm, dù rằng mùi tanh rất khó chịu. Đêm tối trải khắp trùng dương bao la, bầu trời xuất hiện vô số vì sao.

Càng về khuya, gió biển càng lạnh, nhưng bóng đêm khiến kẻ thù không phát hiện được chúng tôi. Chúng tôi định hướng bằng ngôi sao Bắc Đẩu. Bỗng từ hướng phải, một ánh đèn xuất hiện và chạy cùng hướng với xuồng. Có thể là tàu giặc? Nhưng không chắc là chúng có thể phát hiện ra chúng tôi, tôi thầm nghĩ như vậy để trấn an tinh thần. Khi ánh đèn vượt qua ngang tầm nó lại đổi hướng nhằm vào phía xuồng chúng tôi. Thật là gay go, tôi vội đánh thức Bừng và Mừng trong khi ánh đèn tiến tới rất nhanh. Bây giờ không còn là một ánh đèn mà là một chùm, có tới hàng chục ngọn tỏa giăng trên mặt nước như một thành phố nổi trên biển, ánh sáng của con tàu chiếu sáng rực như ban ngày, sáng đến nỗi bọn tôi nhìn nhau rất rõ mặt.

Trên trời lại thêm có tiếng máy bay. Thì ra có cả máy bay bay theo để hộ tống con tàu.

Cả ba nằm sát xuống trong tâm trạng hồi hộp, chờ đợi đang lúc máy bay vẫn quần đảo. Con tàu chạy vụt qua, quan sát chúng, chúng tôi phát hiện không phải là một mà là hai con tàu. Hai khối sắt đen trũi lù lù vượt qua chúng tôi, một chiếc pha đèn sáng rực còn chiếc kia không một ánh đèn. Hai con tàu qua mặt chúng tôi rất nhanh và tiếng máy cũng nhỏ dần.

Bừng và Mừng thức thay cho tôi ngủ. Phải ngủ một ít để lấy sức. Cho đến quá khuya, thức giấc tai tôi nghe chừng như có tiếng giã gạo, tiếng heo kêu và cả tiếng gà gáy, Bừng và Mừng cũng nghe. Chúng tôi đang hình dung ra đất liền sẽ hiện ra trước mắt.

Bây giờ thì cả ba không ai chợp mắt được và mong sao cho trời mau sáng. Từ phía Đông, sao Mai đã dần dần hiện lên. Trời chưa kịp sáng, gió chướng đã yếu dần xuồng trôi đi lúc nhanh, lúc chậm.

BỐN BỀ TRỜI NƯỚC

Hai đêm và một ngày vượt biển bình yên còn có nỗi vui mừng nào hơn khi từ địa ngục trở về cõi sống. Mặt trời nhô dần lên trên mặt biển, càng trông càng thất vọng. Vũ trụ như một nắp vung khổng lồ úp gọn chúng tôi trên mặt đại dương. Trông ra khắp bốn phương không thấy đâu là bến, là bờ. Tâm trạng lạc đường đang gây ra bất lợi. Tôi nghĩ cách để trấn an cố sao cho Mừng và Bừng cùng yên tâm thấy là không lạc. Dựa theo sóng, dựa theo gió, dựa theo trăng sao, cùng nhau hệ thống, thấy rằng là xuồng vẫn đi đúng hướng. Không thể lạc đường được. Trời cao thăm thẳm, biển trải rộng xa mút tầm nhìn. Chỉ có mặt trời để xác định được hướng Đông, Tây. Ba chúng tôi cũng ra sức bơi xuồng từ từ đi trên mặt biển, không một gợn sóng.

Mặt trời cao dần, ngọn gió chướng mới nổi lên từng cơn, từng cơn nhẹ. Chúng tôi tranh thủ trương buồm.

Từ xa, phía trước mặt chúng tôi, giăng giăng một đàn cá chạy nhanh đến nỗi như không tránh kịp. Thoáng nhìn, hàng chục, hàng chục vi cá, lô nhô. Kỳ chúng dựng cao khỏi mặt biển, phóng nhanh như tên bắn trông rất khiếp. Có thể xuồng bị cỡi lên sẽ lật nhào trong nháy mắt, chúng tôi có thể thành mồi ngon của chúng.

Mừng và Bừng rút dầm bơi thủ sẵn. Tôi cứ kềm dầm áp chặt mạn xuồng, vừa bơi, vừa lái. Đàn cá chạy thành từng bầy, ngược sóng biển. Cả đàn thi nhau chạy thẳng về hướng Đông. Một con cá đã đớp phập chiếc dầm của tôi đang cập sát thành xuồng. Một số con quần đảo quanh xuống, một lát rồi bỏ đi.

Dưới cái nắng bức rức khó chịu. Đến giờ vẫn chưa tìm thấy tăm dạng gì về đất liền. Mặt trời đã xế, chợt từ xa, có lẽ rất xa, bên phải chúng tôi lấp ló hình dáng hai con tàu. Trong đầu đã hình thành nỗi lo mới, ba anh em vẫn bơi, vẫn thay phiên nhau kềm lái, buồm vẫn no gió. Để tránh xa cái bất lợi có thể đến từ hai con tàu, xuồng và tàu dù còn cách xa nhau và cùng chạy về phía Tây.

Thấy thế, chúng tôi cho xuồng chạy cấn hướng Tây Nam tránh mặt con tàu càng xa càng tốt. Bóng dáng tàu càng lúc càng lớn dần, cho dù trời trong xanh, nhưng cách xa hàng chục cây số dễ gì tàu trông thấy.

Tầm mắt của chúng tôi không rời khỏi sự di chuyển của hai con tàu. Trên biển cả, giữa ban ngày biết tìm đâu chỗ nơi mà tránh né. Xuồng chúng tôi vẫn chạy trong sức bơi và sức gió, thật khó bề vượt bỏ nổi hai con tàu. Hàng giờ liền, hai chiếc tàu như đuổi bám theo, chận đầu chúng tôi.

Xuồng nan vẫn chạy theo hướng Tây Nam, lòng những phập phồng lo tuột quá mũi Cà Mau, không khéo sẽ đi qua Mã Lai hay Thái Lan là nguy. Hàng giờ liền hai con tàu luôn giữ chúng tôi, trong trạng thái căng thẳng. Nỗi lo âu gia tăng không ngớt. Nguy hiểm mỗi lúc một gần, nhưng quyết không bỏ cuộc.

Sự căng thẳng cứ kéo dài, cái chết như sắp diễn ra trước mắt. Tiến thoái đều nguy hiểm, cầu mong cho màng sương chiều kéo đến. Cầu mong cho mưa! Không ai trong chúng tôi nghĩ là trốn khỏi sự săn đuổi của hai chiếc tàu.

TRẬN MƯA ĐẦU MÙA

May thay từ xa xuất hiện một đám mây đen bay đến bao phủ khắp vùng trời. Ngọn chướng cùng nổi cơn ào ào. Xuồng chúng tôi được dịp cỡi trên sóng như cố thoát. Trong chốc lát, mưa giăng trắng xóa cả một vùng biển mênh mông. Chúng tôi mừng như chim sổ lồng. Xuồng chúng tôi đã bị mưa giông che khuất.

Mưa tầm tà như trút nước. Cám ơn mưa đến giải thoát chúng tôi. Ngọn chướng thổi càng mạnh khiến xuồng tăng tốc chưa từng thấy. Ba anh em tôi hò reo như điên dại.

Mưa thật dai, áo quần ướt sũng, anh em phải thay nhau tát nước. Cái lạnh khiến chúng tôi cứ run lên bần bật, miệng đánh bù cạp liên hồi.

Mưa mãi, mưa hoài, mưa kéo dài đến nửa đêm. Bỗng từ hướng Tây Nam, trời đã nổ giông ầm ầm. Gió ập đến bất ngờ. Tôi kêu to lên:

- Hình như bão. Bão thật rồi. Hạ buồm nhanh!

Bừng và Mừng cuống cuồng giựt vội dây. Buồm chưa kịp hạ thì cơn gió hung dữ kéo tới, chúng quật nhào khiến chiếc xuồng suýt lật úp xuống biển. Nước biển tràn vào gần nửa xuồng. Buồm hạ xong, Mừng kềm mũi, tôi chịu lái ra sức giữ cho xuồng không bị sóng úp. Bừng hối hả tát nước. Sóng thần dậy lên liên tiếp, từng đợt va đập vào mạn xuồng. Xuồng bị quăng lên cao. Bầy sóng thần vô cùng hung hãn. Đợi sóng này chưa hạ, lượn khác bổ nhào lên. Xuồng gần như không kịp trồi lên hụp xuống, trông thật kinh hồn.

Thấy không còn cách tiến về phía Tây được nữa, chúng tôi đành quyết định cho xuồng trôi theo hướng sóng. Ba chúng tôi cùng nhau ngồi bẹp xuống đáy xuồng, luôn trong tư thế sẵn sàng đeo bám xuồng phao. Cái lạnh cũng đi từ lúc nào không biết.

Người tôi thấm mệt, cơn buồn ngủ không sao cưỡng nổi, nằm lăn xuống xuồng đầy ắp nước mưa, vừa tát nước vừa nghỉ cho đến khi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy nhìn trời không còn trăng, cũng không thấy sao. Xuồng vẫn trôi trong đêm đến khuya lắc khuya lơ. Mãi đến khi ngôi sao Mai xuất hiện mới biết xuồng đã lạc xa về hướng Côn Đảo.

Chúng tôi cho xuồng quay hướng lại xuôi theo gió. Xuồng đi được hơn một giờ thì trời rựng sáng. Mặt trời từ từ nhô lên khỏi làn nước. Nhìn xuống biển toàn một màu nước đục ngầu. Tôi chợt nghĩ đã gần đến bờ.

GIAN NAN LẦN CUỐI

Xuồng vẫn chạy, Bừng kềm lái, tôi giữ mũi, mặt luôn nhìn về phía trước. Nước biển ban mai trải rộng tới chân trời xa trông như một tấm phông trắng. Từ xa, lờ mờ một vệt xanh xuất hiện. Cái vệt xanh in đậm trên nền phông trắng trải dài về Tây Bắc. Làn xanh đó rõ dần trong ánh nắng ban mai. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi kêu lớn:

  • Bừng ơi! Mừng ơi! Đất liền kia rồi!
  • Đâu! Đất liền đâu? Có thiệt không? Mừng hỏi như nửa tin, nửa ngờ, trong tâm trạng nghi ngại như đêm trước, cũng nào là gà gáy, tiếng heo kêu, tiếng giã gạo... để rồi sáng đến chỉ còn thấy bốn bề trời biển mênh mông.

Tôi khẳng định:

  • Thật mà! Mừng thử nhìn kỹ ở phía đằng trước kia kìa.
  • Ồ đúng rồi! Đúng thật rồi. Bừng kêu lên.

Cả hai hướng mắt theo cánh tay tôi và reo to lên:

  • Đúng rồi! Đúng là đất liền rồi.

Tất cả chúng tôi đứng cả lên, để được tận mắt đón nhận nỗi vui sướng được tận mắt trong giây phút đầu tiên bắt gặp đất liền. Mũi Cà Mau đây rồi. Quê ta đây rồi. Thắng lợi đã đến với chúng ta rồi đây. Mặt trời lúc này dâng lên cao, vệt xanh đậm dần như một bức tranh thủy mạc tuyệt vời. Càng trông, buồng tim càng run lên như khắc họa một niềm vui sướng diệu kỳ.

Mặt trời cao dần lên. Than ôi! Con đường vào đất liền bị chắn bởi một con tàu làm tiêu tan những ước mơ và hy vọng. Chúng tôi cho tháo buồm, hạ cột hướng cho xuồng trôi theo sóng, giang xa dần về cuối mũi Cà Mau. Độ khoảng bảy giờ sáng, trời không chút gợn mây. Tầm quan sát rất xa nên không thể cho xuồng trôi thẳng vào bờ được. Tất cả đều nằm thấp xuống khoang xuồng để thu nhỏ mục tiêu.

Chúng tôi quyết định cho xuồng chệch hướng xa con tàu và vẫn tiếp tục tiến vào bờ mặc cho con tàu nằm yên như chờ miết chúng tôi hướng phải.

Con tàu bắt đầu hành động. Tiếng máy chúng gầm gừ rền vang khắp biển xa. Nó dịch chuyển dần dần, mỗi lúc mỗi thêm áp lại xuồng chúng tôi. Mừng vẫn bơi, tôi chỉ còn sức thả nhẹ dầm xuống nước, nhấc nó lên mà thấy như hết hơi, đôi tay như rời rã.

Con tàu cứ hướng mũi tiến gần hơn, cảnh tượng ấy càng làm trầm trọng thêm nỗi bàng hoàng, muốn như buông dầm bỏ cuộc.

Bất ngờ con tàu đột nhiên đổi hướng, thay vì tiến đến tận cùng đất Mũi, chúng lại chạy dọc theo bờ biển về miệt Ba Động, Sóc Trăng. Anh em chúng tôi thở phào nhẹ nhỗm.

Đợi cho tàu giặc đi xa, đi thật xa, chúng tôi mới căng buồm lên, tranh thủ vượt nhanh vào bờ. Biển lúc này trông đẹp vô cùng, càng bơi, chúng tôi càng không biết mệt. Dãy rừng xanh suốt dọc Cà Mau dần dần hiện ra, hy vọng chỉ trong vài giờ là chúng tôi sẽ vào đến bờ, càng suy nghĩ, càng bồn chồn, náo nức. Giờ phút chiến thắng đang đến gần với chúng tôi. Thỉnh thoảng cùng nhau ước đoán trong từng khoảng cách để nhận dạng rõ hơn dãy rừng xanh ngút ngàn.

Trong tầm mắt càng lúc chúng tôi càng phân biệt được rõ khu rừng, cả thân cây và cành lá. Tuy không thấy bóng người mà sao ven biển vẫn có hàng trăm cây cắm thành hàng.

Trước mặt chúng tôi là cả một bãi cát dài. Xuồng chúng tôi từ từ cập sát vào bờ cát.

Lúc Bừng và Mừng đã đặt chân xuống bãi bồi, cả hai đều té lăn trên vũng nước, tôi cũng không hơn gì. Mặt đất như ngả nghiêng, rừng cây không ngừng chao đảo trong ánh mắt của chúng tôi...

Cả ngày hôm trước, rồi suốt trọn đêm và cho đến giờ này, trong chúng tôi ai cũng đói, song không tài nào nuốt nổi số trứng chim còn lại. Tanh ôi là tanh, thấy trứng chim là muốn nôn mửa.

Không tìm đâu ra được một gốc bần, vì với cây này, trái sẽ ăn được, vừa đỡ đói mà cũng vừa đỡ khát. Không thể chần chừ, kéo dài thời gian sức người sẽ đuối, nếu không nhanh chóng gặp được dân có khi sẽ chết đói trong rừng. Do không gặp được cửa sông hoặc ngộn rạch nào, chúng tôi buộc lòng phải bỏ xuồng nơi bãi biển. Tuy đã đặt chân lên đất liền, thắng lợi của cuộc vượt ngục mới chỉ là một nửa. Bốn bề quanh chúng tôi đều là rừng, không tìm được dấu vết gì để chứng tỏ có con người.

Không nản chí, tôi hồi nhớ lại, cách mạng trong ba mũi tiến công ba vũng giáp kích: rừng núi, nông thôn và thành thị. Thế nơi đây là rừng, càng đi sâu vào rừng rồi thế nào cũng gặp được dân, cũng gặp được cách mạng. Chúng tôi tranh thủ thời gian, gắng sức lội rừng, cùng nhau định hướng đi lần về phía Tây Bắc. Lúc chia nhau đi theo hàng ngang, khi bám sát nhau thành hàng một, băng mình qua trảng nước, bơi qua con rạch sâu, có nơi bưng sình lên quá gối. Chúng tôi vẫn âm thầm băng đi và trông chừng nhau, ráng giữ sao cho khỏi bị lạc. May thay chúng tôi đã bắt gặp một dấu chân người in rõ trên nền đất.

Một lần khác, chúng tôi kêu nhau chụm lại để cùng nhìn một ngọn cây đã chết khô còn in rõ vết đốn của con người. Từ dấu in của bàn chân, đến dấu chặt đốn cây đã thấy, song cứ đi, đi mãi mà chẳng gặp được người khiến càng thêm dằn vặt trước cơn khát và đói lả.

Một hồi lâu sau, chúng tôi cùng gọi nhau đến nhìn tận mắt những ngọn cây bị đốn, lá xanh chưa rụng hết. Điều này không còn nghi ngờ gì, nếu tiếp tục đi, chúng tôi tin rằng sẽ gặp được người sinh sống lẩn khuất đâu đây. Chúng tôi quyết định đi càn hàng ngang để tầm nhìn được xa, được rộng.

Đang lần đi, tai tôi nghe được tiếng cây đốn cây xa xa vọng lại. Tiếp tục đi thêm một khoảng xa, tôi lại nghe có tiếng đốn cây, nhưng lần này tiếng động xa xa cứ vọng đến đều đều.

Ba chúng tôi cùng nhắm về hướng có tiếng chặt gỗ vọng lại: Bum... bum... bum vang lên cả rừng, càng nghe càng mừng, nỗi mừng khôn tả. Chúng tôi cùng nhau lần đi êm và thận trọng, đi độ một khoảng hơn ba trăm thước chẳng những nghe tiếng đốn mà còn thấy được một số người. Đứng im lại, đưa mắt dò xét cẩn thận, tôi nghĩ nếu không cảnh giác rủi ro bọn lính ngụy bắt gặp là khổ thân. Nép mình hồi lâu chúng tôi theo dõi hành động của toán người, tay búa, tay dao, họ liên tiếp đốn cây, tỉa cành, chặt ngọn, tuyệt nhiên không ai biết có chúng tôi. Quan sát kỹ, không thấy người nào đeo mang súng ống chúng tôi bèn lội chậm rãi mà quần áo ai ai cũng mốc xám, đen đúa nên đoán chắc đây đích thực là dân. Cách đốn cây vùng này trông rất lạ, họ trèo cao cách gốc hai đến ba mét mới chặt hạ. Chúng tôi đến sát bên họ thật êm, thật êm mà đoàn người vẫn không hề hay biết.

Giữa lúc đoàn người đang chăm chú làm việc, tôi phát kêu lên:

  • Các anh ơi! Các anh!

Nghe tiếng kêu quá bất ngờ, người người đều kéo nhau tuôn chạy, bọn tôi cũng chạy đuổi theo càng kêu to hơn:

  • Các anh ơi! Đừng chạy, chúng tôi là tù vượt Côn Đảo đây mà!

Nghe thế, tất cả đều đứng lại, bao nhiêu ánh mắt đều đổ dồn về phía chúng tôi. Họ đứng im, chúng tôi cứ tiến dần đến. Trông thấy có em bé đang cầm một ấm nước, chúng tôi vội xin nước uống. Từ trong đoàn có tiếng nói phát ra:

  • Cứ cho mấy ảnh nước uống đi.

Quá khát, sau khi nhận được ấm nước từ tay cháu bé, chúng tôi chuyền cho nhau uống cho đến khi óc ách cả bụng. Tôi khẩn khoản:

  • Chúng tôi qua ba đêm hai ngày vượt biển, đang lúc đói khát may gặp được các anh xin các anh chỉ dùm chúng tôi đến gặp cán bộ cách mạng ở địa phương.

Nói xong tôi hồi hộp chờ đợi. Chỉ một lát sau, một người đàn ông lách qua tiến dần đến bên tôi, nhìn chăm chú từ đầu xuống chân rồi bảo:

  • Ở đây là vùng giải phóng, nghe các anh nói là tù vượt ngục, chúng tôi không biết nói sao, giúp cho các anh thì được nhưng các anh phải cho chúng tôi bịt mắt lại trong lúc đưa đi vì đây là nội quy vùng giải phóng.

Nghe thế, tôi rất đỗi mừng, riêng Mừng và Bừng tỏ vẻ không bằng lòng cho bịt mắt. Tôi quay sang khuyên giải thêm:

- Cứ để cho các anh thực hiện nội quy, đây cũng là biện pháp bảo vệ vùng căn cứ của mình. Miễn sao gặp được các anh cán bộ ở địa phương là được.

Công việc đốn cây bị đình lại, bà con liền đem đến một chiếc ghe và đưa chúng tôi đi. Khoảng một giờ sau, chúng tôi được tháo khăn bịt mắt, cũng là lúc xuồng cặp vào một căn nhà sàn nằm khuất dưới những tán cây rừng, không chỉ có một nhà, chung quanh còn có nhiều ngôi nhà nữa. Nhà nhà cùng hướng mặt ra con rạch và cùng được che chở bởi cây rừng dày đặc. Quả thật đây là vùng căn cứ của ta.

Ba chúng tôi ngồi đợi trên một chiếc đệm mà chủ nhà đã trải trên sàn gỗ. Đồng bào còn chuẩn bị cả cơm ăn nước uống cho chúng tôi. Chúng tôi vừa ăn, ăn rất chậm rãi và bảo nhau không nên ăn no, lo sợ bụng chưa quen cơm sau những ngày nhịn đói. Cơm nước xong, có một bác tuổi độ năm mươi đến với chúng tôi. Bác hỏi thăm về chuyến vượt ngục. Chúng tôi được dịp trình bày ngắn gọn và bác ấy ghi chép cặn kẽ vào một cuốn sổ taỵ. Gần ba giờ chiều, cũng chính bác ấy lại đến báo tin để chúng tôi chuẩn bị xuống xuồng đi tiếp về trên. Nghe thế, chúng tôi càng thêm mừng rỡ, không ngờ được bác quan tâm giải quyết nguyện vọng một cách nhanh chóng.

Từ giã và cám ơn bà con, chúng tôi cùng bác bước xuống một chiếc xuồng máy, cùng đi còn có hai thanh niên mà chúng tôi đoán là du kích địa phương. Chúng tôi ngồi ở giữa xuồng và cũng bị bịt mắt. Xuồng bắt đầu chạy, chạy rất lâu. Chúng tôi xin phép được nằm xuống nghỉ vì không sao đủ sức ngồi cho đến nơi.

Xuồng chạy ròng rã, không ngừng nghỉ. Khi đến nơi, chúng tôi mới được tháo khăn bịt mắt, mới biết trời đã tối. Bác gởi chúng tôi tạm nghỉ ở một nhà dân, bảo anh em tôi cứ yên tâm, sau đó bác cùng hai thanh niên cho xuồng đi và chúng tôi không còn dịp gặp lại.

Căn nhà này cũng là ngôi nhà sàn cất trên vùng đước ngập mặn giống như những ngôi nhà mà chúng tôi gặp lúc ban chiều. Chúng tôi được ngủ trên một chiếc giường đôi, có cả chiếu, mùng và mền nữa. Khi hỏi thăm chủ nhà, mới biết bấy giờ đã quá mười giờ đêm. Nằm ngả lưng trong phút chốc, cả ba đều lăn ra ngủ say như chết.

Giấc ngủ đầu tiên thật là bình yên sau những ngày vượt biển, gian nan. Sáng hôm sau, khi thức giấc, chúng tôi mới biết là người nhà đã thức dậy từ bao giờ. Tất cả chúng tôi đều không có gì, ngoài bộ quần áo tù mà cả ba đang mặc, cùng một số tiền cất giấu đem được theo. Hỏi thăm gia đình, được biết gần đây có tiệm bán lẻ, chúng tôi nhờ mua giùm nào bàn chải, nào kem đánh răng, nào khăn rằn...

Theo như yêu cầu, chúng tôi không ai tìm hỏi địa danh nơi ăn ở và cũng không đi đâu xa. Chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh. Nhà chúng tôi ở là một gia đình dân tốt. Cuộc sống của anh chị chủ nhà có phần khá giả ngay trong rừng sâu, hầu hết bà con đều là dân nghề biển. Trong nhà anh chị lúc nào cũng có thuốc thơm, trà ngon, bánh ngọt, đường cát trắng. Suốt mấy ngày ăn ở đây, bữa cơm nào cũng có canh nóng, tôm cá, ăn rất ngon miệng. Hàng đêm chúng tôi đều được bồi dưỡng nào là bánh tai yến chiên, cháo nấu với tôm lột, đặc biệt đêm cuối cùng, anh chị chủ nhà cho chúng tôi ăn món cháo nấu với đầu cá mú rất lạ miệng và thật là ngon tuyệt!

MỐI LO CÒN LẠI

Thời gian chờ đợi lâu cũng thấy buồn với cảnh “Ăn không ngồi rồi”. Chúng tôi rất nóng lòng muốn gặp được đồng chí, đồng đội của mình, sớm bắt liên lạc với đơn vị cũ để thông báo cho gia đình cùng mừng về cuộc vượt ngục bình yên.

Trong lúc ở đây, chúng tôi phụ giúp chẻ củi, gánh nước, dạy vần quốc ngữ cho cháu bé lớn con của anh chị chủ nhà. Được làm việc cũng là một nguồn vui tạo cho mình sự quên lãng để quên đi phần nào sự buồn chán, đợi chờ.

Vào buổi chiều ngày thứ tư, chúng tôi được tin báo vào chập tối sẽ có người đến đưa chúng tôi đi nhưng chưa biết là phải đi đâu. Gia đình chủ nhà rất tử tế. Bữa ăn chiều hôm nay của chúng tôi có phần thịnh soạn hơn. Cơm nước xong, chúng tôi chuẩn bị đồ đạc, từ giã gia đình, chờ người đến đón, không có gì phải chuẩn bị.

Rất đúng hẹn, vừa tối đã có người đến đón. Ba chúng tôi từ biệt và bày tỏ lòng biết ơn anh chị chủ nhà trong tình nghĩa thân thương và lưu luyến. Rời xóm dân độ vài trăm mét, chúng tôi được đưa vào một căn chòi lá thì trời nhá nhem tối. Ngay khi ba chúng tôi vừa bước vào bên trong ngôi nhà, bất ngờ một khẩu hiệu ban ra:

- Đứng im! Tất cả đưa hết tay ra sau lưng.

Thoạt nghe, thật vô cùng sửng sốt. Chuyện gì không tốt đã xảy ra cho mình đây. Không hiểu sao ba chúng tôi đều răm rắp thi hành không chút đắn đo, không có hành động phản kháng nào.

Từ sau vách lá của căn chòi, hai thanh niên với quân phục giải phóng, bồng hai khẩu tiểu liên A.K vừa nhảy ra, vừa hướng nòng súng lăm lăm về phía chúng tôi. Đạn đã lên nòng, tay đặt vào cò súng, họ nhìn chăm chăm vào chúng tôi, không bỏ qua một cử chỉ nào.

Chúng tôi rất bình tĩnh, xem sự việc đó như không có gì bận tâm. Không thể nào có được mối nguy hiểm giữa những người cách mạng với nhau. Nghĩ thế, ba anh em cứ đứng yên và chờ nghe đọc lệnh bắt đang dành cho mình. Làm thế nào để thanh minh trong giờ phút bất đắc dĩ này. Tất cả đều bị còng tay ra sau và cùng bị bịt mắt. Chúng tôi được điều xuống xuồng đậu sẵn dưới rạch, không chút kêu oan. Chúng tôi bị yêu cầu đưa tất cả chân vào cây quyện để cùm lại.

Xuồng rời bến, tiếng máy Kohler nổ giòn. Chúng tôi bắt đầu một đêm bất hạnh, thật quá bất ngờ. Tất cả đều nằm bất động, lặng thinh.

Xuồng đến nơi, nghe đâu đã là một hai giờ sáng, chúng tôi bị đưa thẳng vào trại giam và mỗi đứa một nơi. Riêng tôi bị nhốt chung với một tội phạm và cũng bị cùm chân lại, tôi ray rứt, trăn trở, thức mòn, thức mỏi, mong sao cho trời mau sáng. Sáng hôm sau, tôi được ăn một bữa cháo sáng hẩm hiu, buồn tẻ...

Độ khoảng tám giờ, tôi được đưa đi thẩm vấn và được biết đây là trại giam của an ninh T3 (Thuộc Khu ủy Tây Nam Bộ). Suốt buổi chấp cung, thẩm vấn, người chiến sĩ gác trại giam bồng súng và lúc nào cũng quan sát nhất cử nhất động của tôi.

Tôi trình bày, nói viết và tường thuật lại đầy đủ nguyên nhân bị địch bắt giam cầm, bi đày ra Côn Đảo, đặc biệt cách vượt đảo của chúng tôi. Tất cả những diễn biến từ lúc đi cho đến lúc về tới đất liền đều được kể đầu đuôi tỉ mỉ rõ ràng. Tôi cũng đề đạt để cơ quan thẩm vấn tôi điện báo về tổ chức, nơi đơn vị của tôi trước lúc bị bắt, bị tù: Đảng bộ Học sinh sinh viên Giải phóng khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, thủ trưởng của tôi là anh Hai Nghị, khu ủy viên của “ Y TƯ”.

Thời gian thẩm vấn và cung án kết thúc khá sớm. Tôi cũng nêu thêm một yêu cầu khác, nếu tôi còn bị giam giữ xin cho tôi và anh em tôi được nhốt riêng với bọn công an, chỉ điểm và tình báo của Mỹ - ngụy đã bị cách mạng bắt giam.

Với kinh nghiệm có được trong tù, tôi không thể yên tâm khi bị nhốt chung với bọn chúng, nếu biết được tôi hoạt động cho cách mạng đã vượt ngục thì nguy hiểm cho sinh mạng anh em chúng tôi.

Phải đến ba ngày sau, chúng tôi mới được chế độ ăn uống khá hơn. Phải đến sáu ngày sau, chúng tôi mới được đưa ra ngoài, được ăn, ngủ chung với anh em, chiến sĩ cai quản trại giam.

Trong thời gian này, chúng tôi phụ giúp cấp dưỡng, nấu ăn hàng ngày cho đơn vị. Có được việc làm cũng vơi đi phần nào nỗi buồn. Chúng tôi được vào rừng bắt vộp, cua, câu cá để cải thiện thêm bữa ăn.

CHÚNG TÔI VƯỢT ĐẢO

Năm Căn là một huyện rừng sát biển của Cà Mau, rất giàu hải sản, cái khó là nước uống và nước để nấu ăn, lại thêm cái nạn muỗi đốt. Đến đây mới cảm nhận thế nào là muỗi kêu như sáo thổi. Cả ngày lẫn đêm, làm việc và học tập cũng phải có mùng. Đến đây hầu như ai cũng bị cá ngát chém một lần, đau nhức không chịu nổi, có khi cả ngày lẫn đêm vẫn chưa hết, chính tôi cũng bị phải. Cá ngát rất dễ bắt.

Trại giam và nhà nghỉ của cơ quan cất rải rác trong rừng. Rừng ở đây toàn là cây đước, rễ cao, thân thẳng như đũa. Đường đi giữa các nhà nối với nhau bởi những sạp gỗ, nằm dưới những tán cây rừng, mát suốt ngày. Quang cảnh khá nên thơ, đầy mơ mộng, cuộc sống trong chiến tranh kể cũng thú vị làm sao.

Nguồn cua chúng tôi bắt được, đem bán, dành dụm mua được võng nylon, dây dù tấm đắp và cả đèn pin “Quáo” (một loại đèn pin của Mỹ), mùng tuyn, nylon che mưa cả tự may quần áo trang bị cho mình.

Chiếc xuồng nan và xuồng phao cùng chiếc mền vứt bỏ dọc đường, tất cả các “tang vật” này đều được đưa về trại. Ngay cả ống sáo trúc của tôi nhét trong lưng quần đã bị rớt trên đường đi lúc nào không biết cũng được thu nhặt đem về đủ cả.

Trong thời gian chờ đợi quyết định đưa về đơn vị cũ, ba chúng tôi phân công làm “anh nuôi” cho đơn vị và cùng phục vụ cho đợt chỉnh huấn cán bộ cơ quan an ninh Miền về đây hội họp có đến trăm người. Tuy công việc khá vất vả, nặng nhọc nhưng cũng mừng vì đã được lãnh đạo cơ quan tin dùng. Thức khuya, dậy sớm, tập nấu ăn bằng lò “Hoàng cầm”, nhát là lúc trời sáng phải làm sao không để khói bay lên. Có hôm mưa dầm, củi ướt, khói bay lên tụ quần trên ngọn đước, phải trèo lên quạt đổ mồ hôi hột, oải cả tay. Khói ở trong rừng bay lên rất là nguy hiểm vì “Đầm già” phát hiện sẽ chỉ điểm cho máy bay phản lực đến ném bom thì thật là nguy to.

Trong lúc này, không hiểu sao, chúng tôi lại nấu được những món ăn chưa từng biết đến. Món thịt voọc nấu giả cầy, xào lăn, hon, nướng thơm đến nứt mũi.

Thịt kỳ đà thì nấu cari, ngon không kém thịt gà cari ở tiệm ăn Sài Gòn.

Rắn hổ đất, hổ đước nấu cháo đậu xanh và củ hành, thịt trộn gỏi bằng bắp chuối non, ăn ngon như thịt gà xé phay. Mỡ chúng cũng béo như mỡ heo, gan cũng ngon như thể gan heo.

Cá ngát xắt mỏng tả bánh lù, đầu đuôi nấu súp ngon ngọt vô cùng, cá ngát đem nướng vàng lên than đước rồi đem kho... đều ngon cả.

Thức ăn và cơm nấu luôn hợp khẩu vị nên trong hai tháng cấp dưỡng cho đợt chỉnh huấn, ba anh em chúng tôi đều được tặng giấy khen của lãnh đạo cơ quan.

Với thời gian chúng tôi thân quen thêm nhiều anh chị cơ quan trong đó có đồng chí út Hườn, một cán bộ chấp cung của cơ quan, cũng từng bị tù ở Côn Đảo. Anh cho biết là ba anh em chúng tôi tường thuật rất rõ về địa điểm vượt đảo và cũng cho biết là khi chúng tôi vào bờ, các anh du kích đã phát hiện và đuổi theo, nhưng không kịp. Các anh rủi bị thương vì dẫm phải chông cắm khắp trong rừng, chúng tôi cảm thấy mình thật là may mắn, không ai bị dẫm lên bãi chông.

Cơ quan an ninh miền Tây xác minh việc xuồng chúng tôi vào bờ là rất thận trọng, lắm công phu. Khi chúng tôi còn lênh đênh trên biển thì Bộ Công an Hà Nội đã điện báo vào cho cơ quan an ninh miền Tây. Báo cáo của anh em du kích không khớp với sự tường trình của chúng tôi, vì các anh quả quyết là ba chúng tôi đều là biệt kích người nhái, được tàu giặc thả xuống. Các anh cho rằng con tàu neo đậu ngoài khơi ban sáng hôm đó đã thả chúng tôi xuống biển trước khi chúng chạy đi, các anh thấy xuồng chúng tôi từ chỗ con tàu neo đậu bơi vào bờ.

Các anh trình đủ tang vật như xuồng nan, xuồng phao. Riêng chiếc xuồng phao này được quả quyết, chính là loại xuồng mà bọn biệt kích dùng để đổ bộ, đột nhập vào bờ biển của vùng giải phóng do cách mạng làm chủ. Đã có lần máy bay B.52 của Mỹ đã thả bom rải thảm xuống dãy rừng đước gần khu vực chúng tôi đổ bộ vào.

Cạnh trại giam của cơ quan, đã có lần địch cho máy bay trút hàng loạt bom bi, hàng đoàn máy bay rải chất độc hóa học khiến khu rừng cơ quan này trụi hết lá.

May thay cuộc xác minh của cơ quan an ninh với anh em du kích đã có được kết quả, phù hợp với tường thuật của chúng tôi.

Hiện trường của cuộc vượt đảo đoạn vào bờ được dựng lại. Không phải ba anh em chúng tôi, đóng vai những người vươt đảo đổ bộ vào bờ mà là cán bộ chấp cung. Tổ du kích đứng đúng vào địa điểm mà các anh cho rằng đã thấy rất rõ ba chúng tôi là biệt kích tàu địch thả xuống. Đang khi các anh đang chốt giữ bờ biển.

Tàu giặc đậu ngoài khơi, xuồng vượt biển của chúng tôi cùng tổ du kích các anh, cả ba mục tiêu cùng nằm trên một trục thẳng. Từ bìa rừng, các anh đã thấy chúng tôi khi còn cách xa bờ hơn mười cây số. Vị trí con tàu cũng có khoảng cách mười cây số.

Chiếc xuồng nan được điều khiển ra biển từ từ, khi chưa hơn năm cây số, anh em du kích đã không còn nhận thấy được chiếc xuồng đang được tái dựng lại hiện trường. Không còn nghi ngờ về sự nhầm lẫn chết người này. Thật cảm thông bởi các anh là du kích, chỉ có mỗi con mắt.

Trong buổi liên hoan tiễn đưa chúng tôi về đơn vị cũ, lúc đó Bừng đã tình nguyện theo bộ đội để ra tuyến trước chiến đấu. Chúng tôi được lãnh đạo cơ quan động viên: “Cho dù khó khăn thế nào trên con đường cách mạng, cũng không nên có tư tưởng lấn cấn ở đoạn cuối của chuyến vượt đảo”.

Những gì đã diễn ra từ ấy cho đến tàn cuộc chiến tranh, tôi đã giữ kín như nấm mồ.

Chuyến vượt đảo của tôi đã được kể cho hàng trăm bạn bè, đồng chí, nhưng ở phần cuối của hồi ký vượt đảo mà tôi viết hôm nay, vẫn thuộc loại “Chuyện bây giờ mới kể”.



TP. Hồ Chí Minh, tháng 06-1994


Liên kết: