TẢN MẠN … NĂM MƯƠI NĂM
Trở lại những ngày đầu Sài Gòn mới giải phóng 30/4/1975, chúng tôi thuộc lớp thanh niên trưởng thành sau giải phóng, được chứng kiến những giờ phút lịch sử thay đổi, với những háo hức và lạ lẫm khi nhìn từng đoàn người xuống phố với cờ phất phới trong tay.
Lúc đầu, chúng tôi vẫn chưa hiểu nhiều về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thế nào là sự đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt thanh niên tại địa phương, tiếp cận được những người làm cách mạng tôi mới hiểu được để có được hòa bình hôm nay đã có biết bao người đã hi sinh xương máu, đánh đổi sinh mạng để giành lấy độc lập tự do cho tổ quốc.
Trong chiến tranh, trên khắp mọi miền đất nước nơi đâu cũng là trận địa, từ phong trào đấu tranh của SVHS, công nhân, đội Biệt động Sài Gòn hoạt động trong lòng địch, luôn được sự bảo bọc, cưu mang của các mẹ, các chị, của người dân Sài Gòn, những người mẹ cầm súng chiến đấu, những người mẹ Việt Nam anh hùng dấu nổi đau để tiễn chồng, con lên đường, và cả nước cùng chiến đấu để bảo vệ tổ quốc.
Quan trọng hơn hết là lực lượng quân đội chủ lực, những người trực tiếp cầm súng chiến đầu cùng với lực lượng TNXP và dân công hỏa tuyến đã làm nên lịch sử bằng chiến thắng oanh liệt giành độc lập thống nhất tổ quốc vào ngày 30/4/1975 lịch sử.
Chiến tranh nghiệt ngã, sự “mất mát, chia ly, hi sinh” là điều không tránh khỏi. Hòa bình lập lại cả nước đều có những hoạt động tri ân đền ơn đáp nghĩa với đạo lý ‘Uống nước nhớ nguồn”. Những tượng đài, những đền thờ, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm đều đã được xây dựng để tưởng nhớ và tri ân những Anh hùng Liệt sĩ, những mẹ VNAH, TNXP đã hi sinh trong trong cuộc chiến đấu giành độc lập.
Chúng tôi, những thanh niên của những ngày đầu mới giải phóng cũng đã góp một phần thanh xuân của mình trong công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.
Trong bộn bề cuộc sống, trải qua gần 50 năm đến nay giờ là lứa U70 đã không còn trẻ nữa, nhưng từ khi sinh hoạt tại Ban LL Cựu CBĐ TN Việt Nam phía Nam tôi mới mới hiểu tường tận hơn về những điều, những con người góp phần làm nên lịch sử.
Qua những lần về nguồn, những nơi tôi được đến đều để lại trong tôi những cảm xúc dâng tràn đến khó tả. Đến viếng nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang Dốc Bà Đắc … lòng như thắt lại khi nhìn những mộ bia “chưa có thông tin liệt sĩ”. Viếng Đền Long Khốt, bia tưởng niệm đoàn Tàu không số cảm giác như đâu đó anh linh của những người bất tử vẫn luôn ở quanh đây. Đến nhà tù Côn Đảo khi nhìn thấy những hình tượng, những dụng cụ tra tấn, qua những câu chuyện kể thì không thể cầm lòng không khóc được. Không thể tưởng tượng được, làm sao có những người có sức chịu đượng phi thường đến vậy. Họ đã chiến đấu ngoan cường dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt, bị tra tấn đã man nhưng vẫn một lòng vì cách mạng dù phải hi sinh tính mạng.
Với những buổi giao lưu với các chiến sĩ đội Biệt động 67 B, mới tận mắt nhìn thấy những con người mưu trí, dũng cảm trong cuộc chiến giữa lòng địch trong đội Biệt động Sài Gòn mà tôi rất ngưỡng mộ.
Gần đây nhất, sự chiến đấu, hi sinh của những chiến sĩ lực lượng vũ trang và TNXP trên tuyến đường 1C huyền thoại, con đường huyết mạch trên chiến trường miền tây nam bộ. Nhưng mãi đến nay đã gần 50 năm mà có nhiều người vẫn còn chưa biết đến. Ban LL cựu CBĐ Thanh niên Việt Nam phía Nam luôn trăn trở với những điều chưa làm được “Nhớ ơn liệt sĩ” đã đánh động và được sự quan tâm của những người có trách nhiệm, buổi tọa đàm với những TNXP trên tuyến đường 1C để lại dấn ấn truyền thông và đánh thức những trái tim còn thơ ơ với sự chiến đấu hi sinh của các chiến sĩ lực lượng vũ trang và TNXP trên tuyến đường 1C này.
Với tâm huyết, trân trọng sự hi sinh dũng cảm của các chiến sĩ lực lượng vũ trang và TNXP đã hi sinh trên tuyến đường 1C, các thành viên trong BLL đã vất vả bỏ công sức để truy tìm những kỷ vật, tập hợp lại và trao cho bảo tàng tỉnh Kiên Giang lưu giữ. Và người chỉ huy cao nhất là Tổng đội trưởng TNXP giải phóng miền Nam trên tuyến đường 1C đã lập và gìn giữ bản danh sách Anh hùng liệt sĩ Lực lượng vũ trang và TNXP tuyến đường 1C thật cẩn trọng như một cách để nhớ về đồng đội.
Cuối cùng, tâm huyết của BLL cựu CBĐoàn cũng đã thực hiện được. Ngày 26/4/2024 tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Lực lượng vũ trang và TNXP trên tuyến đường 1C đã được khánh thành, danh sách đã được trang trọng khắc vào bia đền thờ để anh linh “Anh hùng liệt sĩ lực lượng vũ trang và TNXP tuyến đường 1C” có nơi trú ngụ và mọi người có thể đến để thắp hương tưởng niệm.
Năm mươi năm nhìn lại, từ lớp thanh niên trưởng thành sau ngày hòa bình lập lại đến nay đã thành ông, bà cụ. Đối với một đời người thăng trầm là điều không tránh khỏi, nhưng đối với một đất nước phải khắc phục hậu quả sau chiến tranh thì chỉ trong năm mươi năm đã có những bước phát triển vượt bậc, để đến hôm nay có thể tự hào sánh vai cùng các nước trên thế giới.
Để có được hòa bình hôm nay, biết bao người đã ngã xuống, hi sinh xương máu để đánh đổi, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.Trong chiến tranh, những người bình thường bỗng chốc trở nên phi thường vì họ chiến đấu cho sự tồn vong của dân tộc. Nhưng hôm nay sống trong hòa bình, đáng buồn thay có những người bình thường lại trở nên tầm thường chỉ vì lợi ích cá nhân.
Trân trọng sự cống hiến, công lao và sự hi sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, nhân dân cả nước. Chúng ta thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” luôn tri ân và nhắc nhở thế hệ thanh niên mai sau mãi không quên “Nhớ ơn liệt sĩ, đáp nghĩa đồng bào ….” những người đã giành độc lập tự do cho dân tộc Viêt Nam.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 05 năm 2024
Huỳnh Ngọc Hương - Cựu cán bộ Đoàn BLL Gò Vấp, Quận 12, Hóc Môn, Củ Chi