Những ngày tháng Tư của tôi
Xuất thân từ gia đình nghèo thành thị ở Bà Rịa, từ khi còn là cậu bé 12-13 tuổi, tôi đã không có cảm tình với chính quyền ngụy Sài Gòn, quân đội Mỹ và chư hầu. Quê tôi, thỉnh thoảng nghe tin xe Mỹ, Úc Đại Lợi cán chết người dân mình, lính Mỹ đập phá khi đi xe lam chở khách của người Việt. Nhớ có lần dọc báo ké thấy viết: công nhân vệ sinh phát hiện xác cô gái Việt chết lõa lồ ở bãi rác Vũng Tàu… Tôi căm thù bọn lính Mỹ và quân các nước chư hầu coi thường mạng người dân, giết hại dã man người Việt.
Mùa hè đỏ lửa năm 1972, lứa chúng tôi học xong lớp 12 sau khi vượt qua kỳ thi tú tài 2 (tú tài toàn phần), lao đầu vào học luyện thi đại học với suy nghĩ là phải đậu để khỏi đi lính, khỏi đối diện với chết chóc vô nghĩa. Nỗ lực hết mình, tôi và hai người bạn cùng lớp thuộc Trường trung học Châu Văn Tiếp – Bà Rịa đậu vào Trung tâm quốc gia Nông nghiệp sau này đổi tên thành Trường Đại học Nông nghiệp học tại Sài Gòn. Những năm học ở trường đã giúp tôi thấy rõ âm mưu của bọn Mỹ ngụy, càng ngày tôi càng có cảm tình hơn với Cách mạng, với phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn, của thành phần thứ ba phản chiến. Tôi tham gia biểu chống chính quyền với nhóm Linh mục Đinh Bình Định, bà Dân biểu Kiều Mộng Thu (Bà này có đặc điểm là khi đi biểu tình vẫn trang điểm đậm nét). Có lần, Đoàn biểu tình chúng tôi đi từ Chợ cũ ra Đại lộ Lê Lợi hướng đến Hạ viện ngụy quyền Sài Gòn (nay là nhà hát lớn Thành phố) với ý định khi đến đó, Bà Dân biểu Thu sẽ đọc Kiến nghị kêu gọi Mỹ ngụy không đàn áp biểu tình, cải thiện đời sống dân nghèo, chấm dứt chiến tranh… thì bị cánh sát chìm (mặc đồ dân sự) dùng dùi cui và cây 3 phân vuông xông vào đánh tán loạn, đám biểu tình buộc phải cố gắng chạy, đến trước Hạ viện chỉ còn vài người.
Bước vào năm 1975, tôi học năm thứ ba Khoa Ngư nghiệp. Mùa khô bắt đầu, những ngày nắng chói chang, nóng bức như tình hình chiến sự trên các chiến trường miền Nam dội về. Chiến thắng liên tiếp của lực lượng Cách mạng đẩy tình thế quân đội và ngụy quyền Sài Gòn ngày càng bế tắc, hoảng loạn. Đã xuất hiện cảnh nhiều gia đình, cá nhân tướng tá, quan chức chế độ cũ rục rịch di tản.
Dân tình, trong đó có sinh viên các trường Đại học cũng xôn xao theo. Chúng tôi học cầm chừng nghe ngóng tin tức hàng ngày trên báo chí, radio, ti vi. Đến đầu tháng 4/1975, tình hình rất căng thẳng. Tụi mật vụ, cảnh sát chìm ít lãng vãng hơn trước cổng trường. Giờ lên lớp của GS. Ngô Bá Thành dạy môn chế biến Thủy sản bên khu B (nay thuộc Đài Truyền hình Thành phố). Thầy không dạy chuyên môn mà vẽ đất nước Việt Nam hình chữ S rồi nói về vĩ tuyến 17, về mong ước thống nhất nước nhà… Sau này mới biết Thầy có cảm tình với Cách mạng. Vợ thầy – bà TS. LS. Phạm Thị Thanh Vân (lúc đó gọi là Bà LS. Ngô Bá Thành) là nhân vật khá nổi tiếng ở miền Nam thuộc thành phần thứ ba.
Chúng tôi vẫn đi học và ngóng tin chiến sự hàng ngày. Giải phóng Ban Mê Thuột, Đà Nẳng đến Nha Trang, thời gian sau đến Phan Thiết rồi tới Long Khánh, khá gần Sài Gòn. Nghe nói đánh nhau dữ dội ở Long Khánh. Sư đoàn 18 địch tan rã chạy về Bà Rịa – quê tôi không biết ra sao?
Những ngày cuối tháng tư năm 75, Sài Gòn thật hỗn loạn. Nhiều gia đình, con cái tướng tá, quan chức cao cấp đã bỏ nước ra đi. Từ ngày 27-28 tháng tư, máy bay trực thăng quần đảo liên tục trên nóc Tòa Đại sứ quán Mỹ - gần trường tôi - rước nhiều người di tản. Một số ra Vũng Tàu lên tàu chạy đi… Sài Gòn chao đảo thật sự. Tàn quân ngụy khắp nơi tụ về, rất nguy hiểm vì họ dễ manh động, thỉnh thoảng vẫn xảy ra nổ súng do mâu thuẩn, cướp bóc, hãm hiếp, thanh toán lẫn nhau... Băng đảng lợi dụng hoành hành khắp nơi. Xe quân sự hối hả chạy bạt mạng trên đường phố. Chúng tôi đến trường mà nơm nớp lo sợ nói với nhau không nên đi đâu xa. Nghe tin Thầy Châu Tâm Luân – TS kinh tế học ở Mỹ về dạy trường tôi bị bắt tháng trước nay được thả ra, ai cũng mừng.
Mấy hôm trước có nghe tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống. Đến ngày 30/4, do tình hình lộn xộn quá, tôi ở nhà theo dõi biến động chính trị - quân sự. Khoảng 11g30, nghe Đài phát thanh Sài Gòn công bố lời nói của Tổng thống Dương Văn Minh – Tổng thống VNCH - ra lệnh cho quân đội Sài Gòn ngừng chiến đấu, hạ vũ khí và giao nộp cho phía quân Cách mạng, Chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp quản thành phố Sài Gòn. Lúc đó, tôi cùng với mấy người bạn đang ở trọ trong hẻm đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi), đối diện Tổng nha Cảnh sát ngụy (nay là Văn phòng 2 - Bộ Công an) lò dò ra phía ngoài đường Võ Tánh, nép mình một góc đứng coi tình hình. Nhìn qua bên kia đường thấy cảnh tượng kinh hoàng: cổng Tổng nha Cảnh sát ngày thường đóng kín im ỉm, có lính gác nghiêm ngặt, lúc này mở toang, không còn ai gác, mặt đường phía trước và trong sân, hàng trăm món quân trang quân dụng vứt bừa bãi: mũ sắt, ba lô, quần áo lính, giày bốt-đờ-xô, nón, bê rê, vãi dù, xe Jeep quân sự… bỏ ngổn ngang. Một vài người lính hơi chậm chân vừa chạy ra cửa, vừa cởi đồ quân phục, tháo giày vụt xuống mặt đường, chỉ còn mặc quần xà lỏn hối hả tháo chạy…
Khoảng gần 12g thì thấy một đoàn cán bộ Cách mạng đi bộ từ hướng cầu Chữ Y qua đường Võ Tánh tiến vào Tổng nha Cảnh sát. Đoàn người đi chầm chậm, nam có nữ có, mặc áo bà ba, áo sơ mi sẩm màu, mũ tai bèo, mang dép râu, có người mang bồng (ba lô), nhiều người lăm lăm súng trên tay. Họ đi thẳng vào bên trong cơ sở ác ôn của chính quyền ngụy, nét mặt khá căng thẳng và tập trung. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cán bộ Việt cộng bằng xương bằng thịt. Riêng tôi có cảm tình với các anh chị em trong đoàn người này vì thấy họ rất trẻ, tự tin đi vào hang ổ của bọn ngụy quyền mà trước đây là một nơi cấm kỵ tuyệt đối với dân chúng. Sau này mới biết đây là cánh vũ trang từ phía quận 8 tiếp quản Tổng nha Cảnh sát ngụy. Một lúc sau thì nhóm dân chúng hiếu kỳ, trong đó có mấy đứa tôi, tản ra ai về nhà nấy.
Tình hình có vẻ yên ắng, súng ít nổ, chỉ lẹt đẹt ở phía xa. Tôi rủ Thu (học năm 2 - Khoa Thú y) cùng ở trọ, lấy xe đạp chở nhau vô trường. Hôm sau, tụi tôi tới trường đến quá 12g trưa mới về. Tôi vẫn đến trường thường xuyên để tập họp nghe nói chuyện về tình hình chính trị đất nước, về việc quản lý trường Đại học Nông nghiệp… Ngoài đường, các đoàn quân cách mạng đổ về từ mọi hướng, xe trật tự quân quản chạy trên nhiều nẽo đường Thành phố, xuất hiện Thanh niên tự vệ với băng đỏ đeo trên tay cùng với bộ đội. Bộ đội miền Bắc nhiều người rất trẻ, trắng trẻo, để thương trò chuyện với người đi đường.
Tôi đến trường, mọi người biểu phải đăng ký. Tôi liền đến bàn buy - rô đặt ở hành lang Văn phòng trường và nói tên họ, ngày tháng năm sinh, quê quán, học năm thứ ba, khoa Thủy sản thì được cấp một tờ giấy chứng nhận là sinh viên trường ĐH Nông nghiệp, phía dưới ký tên người phụ trách cơ sở này. Sau mới biết là Chi bộ bí mật trước đó nay ra công khai gồm 3 đồng chí phụ trách trường gồm: anh Võ Thành Cọng (hai Cúc, nhiều năm sau là Trưởng ban Nông thôn Thành đoàn), anh Tôn Thất Hòa (ba Hòa, Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Saigon Tourism) và anh Nguyễn Hoàng Trúc (bảy Trúc, sau là Phó Chủ tịch UBND Huyện Nhà Bè). Ba anh này đều là sinh viên trường Nông nghiệp học khóa trước, trong đó anh Ba Hòa và Bảy Trúc đã ra trường, còn anh Hai Cúc sau này đi học lại rồi tốt nghiệp kỹ sư Thủy sản sau tôi.
Tôi cất kỹ Giấy chứng nhận như một lá bùa hộ mệnh. Mấy ngày sau, tôi thấy Đội tự vệ trường được thành lập, trang bị vài cây súng cạc-bin gồm toàn anh em sinh viên ở Ký túc xá (tôi rất muốn tham gia nhưng do ở trọ bên ngoài nên không đăng ký được). Đội tự vệ thường tập họp giúp quản lý, giữ gìn trật tự tại trường. Tôi vẫn đạp xe đến trường hàng ngày để tham gia sinh hoạt. Tình hình lúc này rất chộn rộn, Đài phát thanh hát mấy bài Cách mạng nghe là lạ nhưng nghe riết cũng thấy hay hay. Sinh viên chưa đi học lại chỉ đến trường dự hoạt động do các anh phụ trách quản lý trường tổ chức. Tôi sốt ruột, lòng nóng như lửa đốt nghe ngóng tin ở quê nhà Bà Rịa – nơi có ba má, em tôi đang sinh sống, không biết tình hình ra sao, có bình an không? Nghe nói ngày 27-28/4, Bà Rịa đã giải phóng rồi. Tôi muốn về quê nhưng không thể được vì phương tiện xe đò đi lại rất khó khăn, mua vé gian nan mà hành khách chật cứng, cũng không đủ tiền mua vé chợ đen. Vả lại, còn phải đến trường để nghe hướng dẫn chương trình học tập sau này. Lúc đó đâu có điện thoại như bây giờ. Mỗi ngày, chúng tôi dạo quanh phố phường một vòng trước khi về nhà, đều thấy khắp nơi rộn ràng không khí mừng chiến thắng; trên phố, góc đường, thỉnh thoảng từ một chiếc xe tăng T54 với lính tăng đầu đội mũ trông rất ngộ nghĩnh, đang thăm hỏi trò chuyện với bà con đi đưởng hoặc trong hẻm ra gặp gỡ…
Đến ngày 5/5, có tin sinh viên các trường trong đó có trường Nông nghiệp sẽ tham dự mit tinh lớn ở Dinh Độc lập (nay là Hội trường Thống Nhất) để chào mừng Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định ra mắt. Đây là lần đầu tiên tôi nghe được tham gia mit-tinh lễ hội đông người, rất háo hức chờ coi. Đến chiều ngày 06/5/1975, sinh viên trường Nông nghiệp tập họp ở sân vận động Hoa Lư (cách trường chừng 100 mét). Chúng tôi đến nơi khoảng 5g chiều đã thấy có một số đông sinh viên các trường khác ở đây rồi. Sinh viên trường tôi được bố trí ngồi ở mép trong của sân Hoa Lư. Sau khi ổn định vị trí, chúng tôi tập hát và hòa giọng với các bạn sinh viên khác. Tôi vẫn nhớ đó là bài hát “Tiến về Sài Gòn” lần đầu tiên tôi hát, rất thích thú với một chút tò mò và nghe sang sảng nhiều bản nhạc Cách mạng hùng tráng khác. Anh Hai Cúc (Võ Thành Cọng) tập cho mọi người hát tập thể. Tôi hát theo bập bõm nhưng say sưa. Nắng chiều chiếu xiên qua vành nón các bạn đi qua đi lại vì nhu cầu…. Nữ sinh viên được dặn mặc áo dài trắng, nam áo sơ mi trắng. Đa số đều tuân thủ một cách tuyệt đối. Đến hơn 6 giờ, trời bắt đầu sụp ánh sáng, có bạn nằm dài dưới bãi cỏ sân bóng đá, nói chuyện phiếm, đùa giỡn… nhưng vẫn toát lên vẻ nghiêm trọng ngóng đợi sự kiện sắp đến. Lòng tôi tuy lo lắng gia đình ở quê nhưng háo hức chờ điều gì đó to lớn mà tôi chưa hình dung ra!
Khoảng gần 6g30 chiều, sau cả tiếng hát hò sôi nỗi, chúng tôi bắt đầu di chuyển theo hàng ba ra khỏi sân bóng đá Hoa Lư hướng về ngã tư đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn) và đường Cường Để (nay là Đinh Tiên Hoàng). Cả nhóm đi khá chậm rãi theo điều hành của người hướng dẫn có lúc phải dừng lại chờ đợi đội ngũ. Ra đến đường Thống Nhất (Lê Duẩn), tôi thấy cả hàng dài người lố nhố phía xa xa hướng Nhà thờ Đức Bà, có băng ron, khẩu hiệu khá nhiều, tiếng loa vang vọng; mọi người chìm đắm trong khí thế chiến thắng ngút trời, ai nấy đều hướng về cuộc đổi đời, vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam sau hàng chục năm bị chia cắt.
Từ khi ra đến ngã tư rẽ vào đường Thống Nhất, đoàn người hướng về Dinh Độc Lập nhích từng bước một - ngang qua Đại sứ quán Mỹ đổ nát lộn xộn - cho đến khi lọt được vào trong sân Dinh thì trời đã tối. Có ngưòi phát cho chúng tôi mỗi đứa một ổ bánh bì thịt, ở góc đường có bố trí xô, bình nước đá.
Khi chúng tôi yên vị thành từng khối ghép chung với đội hình đứng sẵn trước đó. Đội ngũ xếp vuông vắn khá đẹp. Một lúc sau, chúng tôi được phép ngồi xuống tại chỗ, trên bãi cỏ xanh rì mặt trước Dinh. Đây là lần đầu tiên tôi vô trong Dinh Độc Lập vì trước kia dân thường không được phép ra vào nơi đây. Đã tối mịt mà vẫn còn từng tốp người đi vào theo đội ngũ. Càng về khuya, chúng tôi ngủ gà ngủ gật tại chỗ với đủ tư thế nằm ngồi. Thỉnh thoảng có người rời khỏi vị trí đi đâu đó…
Khoảng 5g sáng thì khối đông như bừng tỉnh sau một đêm thấm mệt, bắt đầu chuyển động và đến 6g tiếng loa vang vang kêu gọi các đoàn người nối tiếp nhau đi vào trong sân. Chúng tôi đứng dậy theo hiệu lệnh. Có những người nón tai bèo đeo băng đỏ trên tay đi đi lại lại giữ trật tự. Khoảng gần 7g, sân phía trước Dinh đầy người, chúng tôi được phát đồ ăn sáng. Hàng vạn người tập họp ở đây là đại diện cho hầu hết dân Sài Gòn – Gia Định, gồm: công nhân, lao động, nông dân, tiểu thương, trí thức, học sinh, sinh viên… cầm theo biểu ngữ nhiệt liệt đón chào Chính quyền Cách mạng, hoan hô nước Việt Nam thống nhất, hoan hô chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam... Rừng cờ nữa xanh nữa đỏ tung bay phấp phới. Phía ngoải đường trước Dinh Độc Lập, nắng đã lên, ngày mới bắt đầu với khí thế rộn ràng đánh dấu những thay đổi lớn lao của cả dân tộc, cả Thành phố từng là “hòn ngọc viễn đông”.
Khoảng 8g, tiếng loa phóng thanh vang lên chuẩn bị tiến hành Lễ. Nhạc mấy bài hát Cách mạng bỗng im bặt. Một lát, sau tiếng hô nghiêm rất lớn, bắt đầu Lễ chào cờ. Tất cả mọi người đều đứng nghiêm trang chào lá cờ nửa đỏ, nửa xanh với ngôi sao vàng, quốc ca vang lên hùng tráng bài hát Giái phóng miền Nam. Tôi đứng nghiêm mà lòng xúc động dạt dào, lần đầu tiên chào lá cờ này, lá cờ chiến thắng, lá cờ Cách mạng. Sao mà thiêng liêng quá!
Trên khán đài xuất hiện mấy người trong Đoàn Chủ tịch bước ra chào bà con nhân dân thông qua những người hiện diện ở đây. Xa quá nên tôi không nhìn thấy rõ, tiếng loa giới thiệu Tướng Trần Văn Trà – Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định nói chuyện. Rồi cả khối người hô vang khẩu hiệu chào mừng chiến thắng. Thời gian trôi qua đã lâu, tôi không còn nhớ chi tiết nhưng ấn tượng sâu đậm nhất là để lại trong tôi là không khí chiến thắng lan tỏa vào mọi ngóc ngách Thành phố và cả nước. Giờ phút này, tôi bồi hồi suy nghĩ đất nước đã thống nhất toàn vẹn từ Nam chí Bắc, non sông thu về một mối. Từ nay Việt Nam sẽ sống trong điều kiện hòa bình, từng bước vươn lên phấn đấu trở thành nước giàu mạnh sánh ngang với bạn bè khắp năm châu bốn biển.
Sau cuộc Mit-tinh, các đại biểu dần dần trở ra đường Thống Nhất và giải tán một cách trật tự. Người ở xa phải chở xe đón trở về địa phương, sở làm… huyên náo cả một góc trời. Đến gần 12g trưa mới xong. Chúng tôi trở về nhà sau hơn một ngày mệt mõi rã rời nhưng niềm vui tràn ngập. Vẫn có những bạn bè, những hoàn cảnh lo lắng cho gia đình, cho người thân còn lưu lạc đâu đó chưa gặp được hoặc bà con ở Sài Gòn, Gia Định mong ngóng chồng con, anh em trong đoàn người thuộc lực lượng Cách mạng từ mọi hướng đổ về “Đô thành một thời vang bóng”.
Mấy ngày trước, tôi tìm mua vé xe đò mà không được. Cho nên, hôm sau, không còn cách nào khác, tôi mượn xe đạp cuộc (giống như xe đua, sườn 700 cao) của thằng em cùng quê ở trọ gần đó đạp về Bà Rịa. Đúng hơn là nó nhờ tôi đem dùm chiếc xe này về Long Điền (Bà Rịa) do đây là chiếc xe kỷ niệm của ông già mua cho con đi học ở Sài Gòn nên nó quý trọng muốn đem về nhà.
Tôi bắt đầu đạp xe ra khỏi phòng trọ lúc 6g sáng ngày 08/5 (một ngày sau khi dự Mit-tinh ở Dinh Độc Lập). Cắm đầu cắm cổ đạp đến ngã tư Hàng Xanh thì mua ổ bánh mì thịt và bịch trà đá rồi tiếp tục đi. Qua cầu Sài Gòn vẫn còn nhìn thấy ngổn ngang giày bốt-đờ-xô, bi đông, nón sắt, ba lô, quần áo lính ngụy… quăng chõng chơ trên cầu. Đến cầu Rạch Chiếc, cảnh tượng còn khét mùi chiến tranh, tôi thấy loang lỗ vết đạn chi chít ở mặt đường, trên thành cầu; phía dưới hai bên dạ cầu, cây cối đổ rạp, cháy xém chứng tỏ nơi đây xảy ra trận đánh đẫm máu giằng co trước và ngay sáng ngày 30/4/75.
Nắng lên cao khi đến ngã ba quẹo về hướng Vũng Tàu. Vài chiếc xe đò vụt qua ken kín người đeo phía ngoài, ngồi cả trên mui lố nhố. Xe các loại kể cả xe dân sự, xe quân Giải phóng, xe ba bánh… chạy loạn xạ trên đường. Rồi tôi nhìn thấy chiếc xe tăng bám đầy bụi đậu bên lề có vài người bộ đội tới lui gần đó. Sợ nhất là lên dốc 47 hướng về Long Thành. Dốc cao trời nắng như lửa đổ, phải đứng lên đạp từng cái một vượt dốc. Đến Long Thành nghỉ một chút uống nước, tìm mua cái gì ăn rồi tiếp tục đi, lúc đó đã gần đứng bóng (khoảng 11g). Tôi cố gắng hết sức, áo ướt đẩm mồ hôi nhưng vẫn phải “chiến đấu”. Gần 1g trưa, tôi đến chợ cũ Bà Rịa. Gió thổi phần phật làm người khỏe lại đôi chút. Qua cầu Long Hương, tôi nhìn thấy Nhà tròn bị xệ một góc nhưng vẫn còn đứng vững (sau này đã sửa chữa lại). Nóng lòng muốn “bay” về thăm nhà sau cả mấy tháng trời xa cách từ Tết âm lịch đến nay, tôi nhấn bàn đạp rướn mình tăng tốc. Chừng 10 phút sau, tôi đã có mặt tại nhà ở trong hẻm Thú y gần rạp ciné Thành Thái hướng đi Long Toàn. May quá, tôi đã gặp lại ba má và thằng em trai hơn 10 tuổi. Nhà bình yên vô sự, ba má cũng lo lắng rất nhiều khi chưa biết tin tức gì của tôi hết. Cả nhà đoàn tụ bình an. Vậy là tôi đã vượt đoạn đường 100 cây số bằng xe đạp từ Sài Gòn về Bà Rịa trong gần 7 tiếng đồng hồ, một kỷ lục đối với bản thân.
Và cuộc sống mới do chuyển biến của thời cuộc bắt đầu nhất là đối với tôi. Vài ngày sau, Hải (Khoa Trồng trọt), Lý (Khoa Thủy Lâm) - bạn cùng trường Đại học Nông nghiệp tại Sài Gòn về nhà ở Long Điền cho hay sinh viên của trường được phép tạm thời trở về quê sinh sống, khi nào ổn định xong, Trường sẽ gọi sinh viên đi học lại.
Sau một tuần nghỉ ngơi, tôi liên lạc với Huyện đoàn Châu Thành (tên Bà Rịa sau giải phóng) và tham gia hoạt động thanh niên tại địa phương tới tháng 10/1975, trở về trường Nông nghiệp học tiếp đến khi tốt nghiệp ra trường rồi đi làm chuyên gia giúp bạn Campuchia trong gần 9 năm. Ba năm trước, tôi gặp lại Võ ở Long Điền, đã nói: “Giờ, em đã đem chiếc xe đạp mà anh chạy từ Sài Gòn về Bà Rịa một tuần sau ngày Giải phóng 30/4, treo lên trang trọng. Đó là món quà kỷ niệm của ba em, nhìn thấy nó như thấy ba em hiện diện ở đây” (Võ là em ruột của chị Lý Thiếu Hoa – bạn học cùng lớp, trường Châu Văn Tiếp những năm 70 của thế kỷ trước ở Bà Rịa).
Đã 49 lần kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam trôi qua, nhưng mỗi khi tháng 4 về, tôi bồi hồi nhớ lại những cảm xúc dạt dào, ký ức vẫn còn in đậm nét về những sự kiện tháng 4/75 nhất là cuộc Mit-tinh lớn có hàng vạn người, lần đầu tiên tôi tham dự chỉ mấy ngày sau ngày giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đó, tôi mang theo hào khí chiến thắng ngút trời để đi suốt hành trình gần 35 năm công tác sau này. Nó làm thay đổi cuộc đời tôi theo hướng tích cực cho đến tận hôm nay.
Tháng 4/2024
Triệu Bôn (Nguyễn Văn Triệu) - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị VN-CPC TP Hồ Chí Minh, Phó trưởng Ban TT BLL Cựu Chuyên gia VN giúp CPC Thành phố Hồ Chí Minh