Đang tải...
Thứ Ba, 16/4/2024

Ký ức thời lính trẻ Sài Gòn - Cuối tháng 4/1975 Người dân ven đô và quân giải phóng

T.S Nguyễn Hữu Nguyên

Cuộc chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, có những sự việc không còn nhớ nhưng có những điều không quên…Đó là những ngày cuối tháng 4-1975 ở vùng ven Sài gòn…Đơn vị chúng tôi đã đến rất gần Sài Gòn, đó là những làng mạc mà từ sau cuộc tấn công tết Mậu Thân 1968 đã bị quân địch kiểm soát rất chặt, nhân dân không còn gặp bộ đội chủ lực, chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy vài anh du kích vào những đêm tối trời… Rất nhiều gia đình ở đây có con em đang là lính trong quân đội Sài Gòn, đồng thời họ bị bọn cán bộ bình định và tâm lý chiến tuyên truyền, nói xấu cách mạng nên nhiều người rất ít hiểu biết về quân giải phóng.

Hôm ấy đã là ngày 24/4, đơn vị chúng tôi chuyển quân đến một khu vực thuộc vùng hạ Long An để chuẩn bị một trận đánh lớn. Ban tác chiến Trung đoàn ghé vào nghỉ tạm ở một nhà dân ở ven làng, chủ nhà là hai ông bà khoảng hơn 60 tuổi. Sau hàng giờ quan sát và theo giõi, thấy chúng tôi chẳng có gì ngoài súng đạn và mấy bao gạo, bà chủ nhà rụt rè nói:” nhà không có gì cho các chú, chỉ có con chó này…”.  Nếu là ở vùng giải phóng thì các má thường nói :"tụi bay không có gì ăn, bắt con chó mần thịt đi…" - nhưng ở đây, cử chỉ rụt rè và  xưng hô khách sáo của bà chủ nhà chắc là do dân còn rất sợ quân giải phóng-nhất là khi nghe chúng tôi nói toàn giọng miền bắc… Từ khi nghe bà nói như thế, con chó chui vào gầm giường, nằm nép vào một góc, bà gọi cũng không chịu ra, chỉ vẫy đuôi và nằm im một chỗ. Nghe bà gọi nó là "con" chúng tôi chợt hiểu nó không phải là con chó bình thường mà như một thành viên thân thiết trong gia đình…thấy vậy, tôi nói "má ơi, nó khôn lắm, để nuôi, chúng con không ăn thịt nó đâu". Bà má nhìn chúng tôi tỏ vẻ biết ơn rồi cúi xuống gọi: "con ơi ra đi các chú thương con lắm không mần thịt nữa đâu". Con chó vẫy đuôi rồi chạy ra vườn phía sau nhà. Có lẽ từ lúc ấy bà má đã nhận ra quân giải phóng khác với “lính quốc gia” như thế nào...              

Sau một ngày chiến đấu liên tục, tối ngày 26-4, đơn vị chúng tôi lại tiến quân sâu hơn về phía Sài Gòn. Khi đi qua một con lộ nhỏ, chúng tôi nghe thấy tiếng khóc văng vẳng từ một căn nhà nhỏ ven đường nên ghé vào để xem có thể giúp được gì cho người bị nạn. Cảnh tượng mà chúng tôi nhìn thấy là một ngọn đèn dầu leo lét vừa đủ soi rõ tấm khăn trắng phủ kín một thi thể, ngồi bên là một bà mẹ già đang khóc và một thiếu phụ còn trẻ. Thấy chúng tôi hỏi thăm và chia buồn một cách chân thành, người thiếu phụ lau nước mắt và kể lại: …gần đến buổi trưa hôm nay, khi thấy các anh đã đến làng bên kia, vì sợ quá, nên tôi cùng đứa em gái chạy về phía cuối đường vì ở đó có lính “quốc gia” để được yên tâm vì tôi có chồng lính, em tôi còn đang đi học, sợ gặp “giải phóng và Việt cộng” sẽ nguy hiểm... Khi chạy đến một xóm nhỏ ven đường thì gặp được một đám lính quốc gia, tôi cảm thấy yên tâm hơn… Vài phút sau, một viên trung úy bước vào nhà, ông ta nhìn chằm chằm làm tôi thấy hơi lo, linh cảm của phụ nữ mách bảo tôi biết sẽ có điều chẳng lành nhưng không ngờ nó diễn ra nhanh và tàn nhẫn như thế… Viên trung úy trắng trợn nói là hắn “muốn” em gaí tôi, nhìn nét mặt ấy tôi biết hắn không nói đùa. Lúc đó tôi đã nghe tiếng súng từ phía các anh mỗi lúc một gần, viên trung úy cũng tỏ ra lo sợ nhưng không có vẻ gì là muốn từ bỏ ý định mà còn muốn thực hiện nhanh hơn. Tôi biết là mình không thể ngăn cản được nên đưa ra đề nghị cho tôi thay thế đứa em… vì tôi đã có chồng lính, còn em tôi vẫn là con gái, tội nghiệp nó… Viên trung úy lạnh lùng kéo đứa em tôi sang căn nhà bên cạnh, mấy người lính ngăn tôi lại không cho đi theo…Nghe tiếng kêu khóc thảm thiết từ căn nhà ấy vọng sang, lòng tôi đau thắt, rối bời nhưng chưa nghĩ ra được cách nào để cứu em tôi thì nghe một phát súng nổ từ căn nhà đó và tiếng khóc cũng tắt lịm… Mấy người lính đang canh giữ tôi vội vã bỏ đi, tôi chạy vội sang căn nhà đó thì không thấy viên trung úy, chỉ thấy em tôi nằm trên vũng máu… Một lúc sau, các anh giải phóng kéo đến và chính các anh ấy giúp  đưa em tôi về đây…sao cuộc đời lại trớ trêu như thế, những người mà tôi tìm đến để được che chở thì lại làm nhục và giết hại em tôi, còn những người mà tôi sợ và chạy trốn thì lại giúp đỡ và ân cần an ủi gia đình tôi..? Chúng tôi thắp mấy nén nhang cho cho người đã khuất rồi vội vã lên đường vì chiến dịch Hồ Chí Minh đang như một cơn lốc cuốn chúng tôi  bay về phía Sài Gòn

          Từ chiều ngày 28-4, một số máy bay trực thăng vội vã bay về hướng nam, chắc là các quan chức, tướng lĩnh Sài Gòn đang“tùy nghi di tản”, còn binh lính của họ dưới mặt đất cũng đang mạnh ai nấy chạy. Đám tàn quân của sư đoàn 18 chạy từ Long Khánh về Sài Gòn rồi xuống Cần Giuộc thì bị đơn vị chúng tôi chặn đánh. Hôm ấy chiến sự diễn ra suốt ngày, sở chỉ huy tiểu đoàn di chuyển đến một căn nhà dân vì ở đó có cây vú sữa cao để thông tin dựng ăng ten, Sở chỉ huy nhanh chóng triển khai công việc... Tôi thoáng thấy trong nhà có hai ông bà già và cô gái mặc chiếc áo mầu hồng, vài phút sau, cô gái bước ra với chiếc áo cũ màu trắng đục và chiếc nón rách che khuất mặt, cô đi nhanh về phía cuối làng. Thế rồi chúng tôi bị cuốn hút vào việc xử trí tình huống chiến đấu,,

          Chiều tối hôm ấy, cả tiểu đoàn đã tập trung ở khu đất trống, sau khi thu quân và  phổ biến nhiệm vụ hành quân, chúng tôi vào nhà để cảm ơn gia đình đã cho đóng quân trong vườn. Ông chủ nhà rót trà mời chúng tôi và hỏi:”chú làm lớn lắm phải không?” tôi nói: “cháu cũng như các anh em ở đây cùng nhau làm việc thôi, có lớn nhỏ gì đâu… ông chủ nhà  nói: “cả ngày hôm nay tôi để ý thấy ai làm gì cũng hỏi chú, và nhìn thấy quân đông thế kia thì biết…nhưng sao bên các chú làm lớn mà hiền thế- bên quốc gia mà như chú thì ghê lắm, hét ra lửa đấy“. Thực ra tôi chỉ là phái viên ban tham mưu, tác chiến xuống giúp đơn vị khi tiểu đoàn trưởng đi nghiên cứu trận địa chưa về kịp..Tôi cười hỏi lại ông: chắc lúc đầu bác nghĩ chúng cháu cũng như bên quốc gia nên bảo cô gái lánh đi phải không ? Bác chủ nhà vừa rót thêm nước cho chúng tôi vừa nói: “nếu biết các chú thế này thì bắt em nó đi làm chi cho cực”…Lúc đó cô gái cũng từ trong buồng bước ra, bẽn lẽn khẽ cúi đầu chào chúng tôi, cô ấy đã mặc lại mặc chiếc áo mầu hồng.

          Gần đến buổi trưa 30/4/75, đơn vị chúng tôi đã chiếm được co lộ phía nam Sài gòn, tôi được cử đi cùng thủ trưởng trung đoàn vào cấu chữ Y nhận lệnh, chúng tôi dùng ngay chiếc xe Jeep vừa mới thu được của đám hàng binh và người lái xe là một hang binh- còm mặc nguyên bộ quân phục rằn ri của thủy quân lục chiến Sài gòn-Khi vào đến địa phận quận 8, anh lái xe nói không muốn mặc bộ đồ này nữa nên chúng tôi ghé lại căn nhà ven đường, nhờ bác chủ nhà cho anh lính bộ quần áo thường và cho anh ta ăn cơm vì hai ngày nay, cả đám hàng binh phải nhịn đói. Được mặc bộ thường phục anh ta  có vẻ tự nhiên hơn, chúng tôi còn xin mấy anh du kích một lá cờ giải phóng cỡ nhỏ để cắm trên đầu xe. Chúng tôi chuẩn bị lên xe thì thấy một chị tay cầm chiếc nón lá vội vã từ cánh đồng chạy ra -chị đứng sững nhìn chúng tôi vài giây rồi cười và nói: mấy đứa giải phóng cũng đẹp quá đi chứ, có sao đâu ? tôi cười hỏi lại: có phải chị nghĩ 7 đứa tụi em leo cành đu đủ không gẫy…? chị cười hiền hậu và cùng mọi người vẫy tay chào khi xe của chúng tôi chuyển bánh chạy vào tiếp quản Sài Gòn.

          Với những người lính trẻ, ký ức chiến tranh không chỉ là những trận đánh ác liệt, những chiến công, những khó khan gian khổ… mà còn là những cuộc tiếp xúc với nhân dân -có khi chỉ là gặp gỡ ngắn ngủi trên đường hành quân hay trong vài giờ tạm nghỉ giữa những trận đánh...cũng là những ký ức không quên.


Liên kết: