TÌNH HỮU NGHỊ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM - CAMPUCHIA ĐỜI ĐỜI BỀN VỮNG
TP.HCM 24/06/2024
TÌNH HỮU NGHỊ TRUYỀN THỐNG
VIỆT NAM - CAMPUCHIA ĐỜI ĐỜI BỀN VỮNG
Nguyễn Hữu Châu
Phó Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn
TNVN phía Nam, Trưởng nam của cố
Luật sư Chủ tịch TƯ MTDTGPMNVN.
Tôi rất phấn khởi khi Tiến sĩ Lê Hồng Liêm, phó Chủ tịch Hội Hữu nghị VN - CPC (phía Nam), Trưởng Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn TNVN phía Nam tổ chức cuộc viếng thăm đất nước Campuchia anh em từ 17/6/2024 đến 23/6/2024 trong khi 2 nước kỷ niệm 57 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước và hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Cùng đi với Đoàn có Ngài Chan Sorykan Tổng lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TP. HCM. Cuộc chuyến thăm lịch sử này đã giúp tôi khẳng định tình hữu nghị VN - CPC đời đời bền vững, cho dù các thế lực thù địch có âm mưu xảo quyệt đến đâu nhằm phá hoại tình hữu nghị thiêng liêng này.
Nhìn lại quá khứ, Việt Nam và Campuchia là 2 quốc gia láng giềng gần gũi cùng chung sống lâu đời, đồng cam cộng khổ trên vùng bán đảo có nhiều điều tương đồng về các yếu tố địa - chính trị, địa - lịch sử, địa - kinh tế và địa - văn hóa. Trên chặng đường gần 1 thế kỷ (1930 - 2020), lịch sử đã chứng kiến sự gắn bó keo sơn, mật thiết giữa 2 dân tộc Việt Nam và Campuchia trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. Mối quan hệ truyền thống đoàn kết và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển lên tầm cao mới, đó chính là tài sản vô giá mà mỗi người dân ở 2 nước hôm nay cần tiếp tục giữ gìn, vun đắp và bảo vệ.
Thực tiễn cho thấy, trải qua cuộc đấu tranh cách mạng từ năm 1930 đến năm 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm (1946 - 1954), mối quan hệ VN - CPC đã từng bước vượt qua nhiều gian nan, thử thách. Cuối cùng là Hiệp định Giơ - ne - vơ năm 1954 được ký kết chấm dứt ách thống trị gần một thế kỷ ở VN và CPC.
Tuy nhiên, thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ nhảy vào Đông Dương thay chân Pháp, thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam, Lào, Campuchia. Nhân dân cả 3 nước đoàn kết phối hợp chặt chẽ, cùng chống kẻ thù chung vì hòa bình, độc lập, tự do.
Trong 30 năm ấy, tôi tự hào và có cơ duyên góp phần nhỏ bé của mình vào tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia.
Từ những năm 1950, tôi đã chứng kiến 2 sự kiện lớn của Cách mạng Việt Nam mà cha tôi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tham gia lãnh đạo tại sào huyệt của kẻ thù: ngày hy sinh của học sinh Trần Văn Ơn (9/1/1950), ngày đuổi 2 tàu thuộc Hạm đội 7 Mỹ ra khỏi Cảng Saigon (19/3/1950); 2 ngày lịch sử đó trở thành “Ngày học sinh sinh viên toàn quốc”, “Ngày toàn quốc chống Mỹ”.
Thời điểm này Ủy ban Dân tộc giải phóng TƯ. Campuchia tuyên bố: “Tất cả dân tộc Khmer kiên quyết đấu tranh đến cùng chống lại bọn thực dân Pháp để giải phóng hoàn toàn đất nước. Sau đó, cha tôi bị kẻ thù bắt giam, lưu đày khắp 3 miền Nam, Trung, Bắc gần 4000 ngày.
Căm thù giặc, ở tuổi 19 những năm 1960 tôi thoát ly tham gia kháng chiến ở căn cứ địa Bắc Tây Ninh, sau khi đậu tú tài toàn phần Pháp, có thời kỳ tôi học tại trường ChasseLoup Laubat (nay là Lê Quý Đôn) nơi mà trước đó khá lâu Quốc trưởng Vương quốc Campuchia đã từng học.
Vì biết thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh tôi được phân công làm phát thanh viên của Đài phát thanh Giải phóng bằng tiếng Pháp; cùng nghề nghiệp, bạn Sơn Wênh, người Khmer là phát thanh viên bằng tiếng Khơme. Dùng tiếng khác nhau, nhưng 2 anh em thường xuyên đưa tin về tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước VN - CPC, về cuộc chiến đấu cùng chung 1 chiến hào chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, về tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh cách mạng và tính phi nghĩa của đế quốc Mỹ xâm lược.
Tôi vừa là phát thanh viên vừa là cán bộ của Ban đối ngoại MTDTGPMNVN. Chính vì vậy, khi Quốc trưởng Norodom Sihanouk tổ chức Liên hoan Điện Ảnh quốc tế tại Thủ đô Phnom Penh (năm 1969), có mời phái đoàn của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và phái đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi là thành viên phái đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Và tại Liên hoan Điện Ảnh quốc tế, tôi vinh dự được gặp Quốc trưởng Norodom Sihanouk, bà Hoàng hậu Monineath Sihanouk và nói chuyện với bộ trưởng Bộ văn hóa CPC lúc bây giờ tên là ông Molyvan.
Theo sự xúi giục của Mỹ, 1 tập đoàn phản động làm đảo chính lật đổ chính phủ của Thái tử Quốc trưởng Norodom Sihanouk, dựng lên chính quyền Lon Nol phản động thân Mỹ vào ngày 18/3/1970. Liền sau đó tháng 4/1970, Hội nghị nhân dân Đông Dương được triệu tập. Tham dự có Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Norodom Sihanouk, Chủ tịch nước Lào Souphanouvong, Thủ tướng nước VNDCCH Phạm Văn Đồng, Chủ tịch MTDTGPMNVN Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Hội nghị khẳng định quyết tâm chống đế quốc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn của nhân dân 3 nước Đông Dương.
Kề vai sát cánh, nhân dân 3 nước giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Năm 1973, Mỹ buộc ký Hiệp định Paris về Việt Nam, chấm dứt chiến tranh. Theo Hiệp định Paris sẽ thành lập chính phủ 3 thành phần trong đó có Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam. Và tôi được cử tham gia đoàn đại biểu CPCMLT đi vào Saigon. Nhưng vì Mỹ và chế độ Saigon vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris, chiến dịch Hồ Chí Minh ra đời “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Qua 30 năm chiến đấu ngoan cường, sau chiến thắng thực dân Pháp, 3 nước Đông Dương đã đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Cách mạng Campuchia toàn thắng ngày 17/4/1975; với đại thắng mùa Xuân, Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn vào 30/4/1975; cách mạng Lào đã thành công vào tháng 5/1975.
Rủi thay, lẽ ra đất nước Campuchia phải được hưởng hòa bình, độc lập sau ngày 17/4/1975. Thế nhưng chế độ cực kỳ tàn bạo Pol Pot gây ra thảm họa diệt chủng, giết hại 3 triệu đồng bào Khmer. Một lần nữa, Việt Nam “giúp bạn là tự giúp mình” kề vai sát cánh với nhân dân Campuchia, đã đánh bại bọn phản động man rợ Pol Pot. Thái thượng hoàng Quốc vương Norodom Sihanouk khẳng định: “Để có một đất nước Campuchia phát triển toàn diện như ngày nay không thể tách rời sự giúp đỡ quý báu, to lớn, kịp thời, có hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Việt Nam”. Còn Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: “Lịch sử khắc ghi sự can thiệp của Quân đội Việt Nam để cứu người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot”.
Năm 2008, theo lời mời của Thống tướng Hok Lundy, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quốc gia Campuchia, phái đoàn của Câu lạc bộ truyền thống Đoàn TN các cơ quan TƯC miền Nam, mà tôi là thành viên lại có dịp thăm đất nước Chùa tháp. Dịp này tôi được gặp phó Thủ tướng Campuchia bà Men Sam An. Đây là cuộc gặp thân tình, đầy tình nghĩa, không thể nào quên.
Lần này, một chuyến đi vượt 3.000 km, đi qua 16/25 tỉnh của Campuchia chỉ trong 1 tuần đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Nước Campuchia, sau chế độ diệt chủng của Pol Pot, đã hồi sinh, phát triển toàn diện, vượt bậc. Có 2 ký ức mà tôi không bao giờ quên; đó là: 1) Thời kỳ chống Mỹ, chính phủ Campuchia đã dành đất để MTDTGPMNVN xây dựng căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thời điểm này tôi có mặt tại đây sống và chiến đấu. 2) Thăm lại Thành phố cảng SihanouKville, tôi không thể nào quên: Cảng này đã giúp anh em miền Bắc chuyển vũ khí vào miền, để chúng tôi chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ.
Đặc biệt, trong một số cuộc tiếp xúc với bạn đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Tại tỉnh Battambang, Ngài Đại tướng tư lệnh quân khu 5 Campuchia khi ra về tâm tình: Thật bất ngờ đối với tôi khi anh Nguyễn Hữu Châu ở tuổi 82 vẫn còn miệt mài chăm lo vun đắp cho tình hữu nghị giữa 2 nước. Ngài Sok Darek, nguyên Tổng lãnh sự Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh rất xúc động khi xem tập ảnh do anh Nguyễn Hữu Châu trao ghi lại hình ảnh anh đại diện cho MTDTGPMNVN tham dự Liên hoan Điện Ảnh quốc tế tại Phnom Penh do Quốc trưởng Norodom Sihanouk tổ chức và nhận sẽ tìm cách giới thiệu những hình ảnh quý giá này đến công chúng.
Cuối cùng tôi mong có dịp trong tương lai thăm nước Campuchia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc./.
Vài hình ảnh trong chuyến hành trình đến Vương quốc Campuchia từ 17-23/06/24 :
Ninh Thị Tuyết Nhung - Phó tổng thư ký Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn TNVN P.Nam