TS Lê Hồng Liêm, Trưởng Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam cho biết, website là kênh thông tin nhằm tăng khả năng tiếp cận, tương tác giữa ban với các thành viên và các cựu cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên, tạo được sự kết nối các thế hệ cựu cán bộ Đoàn cùng các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Các bài đăng vừa ôn lại những năm tháng hào hùng cho thế hệ trước, vừa tuyên truyền cho thế hệ trẻ hiểu và tự hào hơn về lịch sử dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM chia sẻ, ngoài trang web, ban có thể phát triển thêm nội dung trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok… để tuyên truyền thêm. Ngoài ra, có thể tổ chức thêm cuộc thi tìm hiểu về tuyến đường 1C nói riêng và các cuộc thi liên quan đến lịch sử dân tộc nói chung. Thời gian tới, Trung tâm Báo chí TPHCM sẽ tạo mọi điều kiện để giới thiệu các sản phẩm truyền thông của ban, làm tốt hơn công tác tuyên truyền.
Tại Tọa đàm Lan tỏa giá trị truyền thống đường 1C, các đại biểu đã ôn lại những năm tháng hào hùng về cuộc sống và chiến đấu của lực lượng TNXP, cán bộ đoàn viên, bộ đội trên tuyến đường 1C. Ban tổ chức cũng mong muốn nhận được sự chung tay lan tỏa những giá trị truyền thống của tuyến đường 1C sâu rộng trong nhân dân và tuổi trẻ với nhiều hình thức, nội dung, sinh động, phong phú.
Tháng 7-1967, do tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển bị đánh phá ác liệt, một tuyến đường trên bộ với mật danh 1C đã được thành lập nhằm chuyển vũ khí từ Campuchia về chiến trường Tây Nam bộ.
Đường 1C là một hệ thống đường cả bộ và thủy kéo dài từ kênh Vĩnh Tế (Kiên Giang) giáp biên giới Campuchia về đến U Minh Thượng, U Minh Hạ (Cà Mau).
Hơn 13.000 tấn vũ khí, trên 30.000 người đã được vận chuyển, di chuyển qua tuyến đường này. Khoảng 400 nữ TNXP đã nằm xuống trên đường 1C và hơn 300 người khác bị thương.
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng